Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị
Ðây là chủ đề UBND tỉnh đề ra trong kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Dịp này, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, có cuộc trao đổi với Báo Bình Ðịnh, xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.
Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (10.10), nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày CĐS quốc gia; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XX) về CĐS tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS, qua đó thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.
* Thưa ông, để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm nay, tỉnh Bình Định triển khai các hoạt động nào?
- Sở TT&TT đã có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí của tỉnh, các trang/cổng thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo OA)… của cơ quan, đơn vị, địa phương và hệ thống truyền thanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh truyền thông về Ngày CĐS quốc gia; truyền thông, phổ cập bộ nhận diện Ngày CĐS quốc gia năm 2023 trên các kênh, ấn phẩm báo chí… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí, cấp bộ đoàn toàn tỉnh thực hiện các sản phẩm truyền thông, ra quân hưởng ứng về Ngày CĐS quốc gia năm 2023.
Sở TT&TT cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng trên không gian mạng bằng cách thay ảnh đại diện có kèm khung hình nhận diện (avatar frame) Ngày CĐS quốc gia, từ ngày 1 - 10.10.2023.
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định đang vận hành nhiều dịch vụ. Ảnh: T.L
* Thời gian qua, trong vấn đề CĐS, tỉnh ta đã làm được những gì?
- Sau hơn 2 năm nỗ lực, nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh được nâng lên. Các ứng dụng dùng chung (hội nghị trực tuyến, văn phòng điện tử, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thư điện tử công vụ, hệ thống báo cáo…) đã kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 13 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Đáng chú ý, Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định đã thu hút 2 “sếu đầu đàn” trên lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm của cả nước là Công ty TMA Bình Định và Fsoft Quy Nhơn, với hơn 1.000 nhân sự. Vừa qua, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cũng được kết nạp là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (trong đó có Khu Công viên phần mềm Quang Trung -Bình Định), chỉ số CĐS (DTI) của tỉnh Bình Định năm 2022 tăng 5 bậc so với năm 2021 (xếp hạng 29 trên cả nước)…
* Dù vậy, việc thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế?
- Điều đó là khó tránh khỏi, bởi các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, việc chia sẻ cho địa phương để khai thác còn chậm. Chất lượng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cơ bản, đặc biệt là ở cấp xã còn yếu, thậm chí nhiều xã còn chưa có mạng LAN. Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin mạng tại nhiều đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc tiếp cận thông tin của người dân về CĐS, các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn khoảng cách lớn so với đô thị.
Sở TT&TT đang xây dựng kho dữ liệu số dùng chung. Bước đầu sẽ tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từ đó phân tích, cung cấp các báo cáo, thống kê phục vụ lãnh đạo tỉnh ra các quyết định điều hành phát triển KT-XH theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế.
* Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025 sẽ đứng trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ cho mục tiêu này?
- Tỉnh đang triển khai nhiều nhiệm vụ CĐS ở 3 trụ cột về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để đến cuối năm 2025 có thể hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, trên 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến; kinh tế số chiếm 20% GRDP; tối thiểu 50% các DN nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng số; thu hút khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung -Bình Định; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số...
Để hoàn thành các mục tiêu đó, tỉnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực CĐS từ các trường đại học uy tín, chất lượng, như: ĐH Quy Nhơn, ĐH FPT Quy Nhơn… Đây là các trường có đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, thiết kế mỹ thuật số, sẽ phần nào giải quyết tốt vấn đề nhân lực số - vốn thiếu hụt lâu nay trong quá trình CĐS của tỉnh Bình Định.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)