Ðồng bào Bana học thâm canh cây đậu phụng
Nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại cây trồng cạn phù hợp với điều kiện đất đai, mùa vụ, khí hậu địa phương và từng bước thay đổi tập quán canh tác sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vụ Thu Đông năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) hỗ trợ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh triển khai mô hình “Thâm canh cây đậu phụng gắn liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống ống tưới nước tiết kiệm” trên diện tích 3 ha/5 hộ ở xã Vĩnh Thuận. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% chi phí về giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước; được tập huấn và hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh.
Cả 5 hộ tham gia mô hình đều là người dân tộc Bana, sống ở làng 3 và làng 8 của xã Vĩnh Thuận. Bà con ở đây thường trồng bắp, bí đỏ, đậu xanh, đậu đen nhưng do không có đủ nước tưới, kỹ thuật canh tác lạc hậu nên năng suất thấp hoặc nhiều khi phải bỏ hoang, không canh tác. Khi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây đậu phụng, bà con như được học lại từ đầu (làm đất, xử lý đất, lên luống, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh).
Ông Đinh Nhin, ở làng 3, chia sẻ: Ban đầu mọi thứ khá vất vả nhưng nhờ cán bộ theo sát, cầm tay chỉ việc nên cây đậu sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, lượng nước tưới ít hơn, năng suất cao hơn so với các loại cây đã trồng trước đây. Thu hoạch rồi ai cũng vui bảo nhau sẽ canh tác được quanh năm, không bỏ đất hoang như trước nữa.
Ông Đinh Nhin phấn khởi với kết quả mô hình mang lại. Ảnh: T.N
Khi bắt đầu triển khai mô hình, không chỉ dân mà cả các cán bộ khuyến nông cũng khá lo lắng, bởi để thay đổi thói quen hình thành đã lâu năm không hề dễ. Tuy nhiên nhờ chính quyền địa phương vận động, cán bộ khuyến nông có mặt thường xuyên để hỗ trợ, bà con quen dần. Sau 90 ngày, cây phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu xám, sâu xanh da láng, bọ trĩ, rầy... đã được khống chế hiệu quả, lợi nhuận từ mô hình đạt gần 20 triệu đồng/ha, cao hơn trước đây rất nhiều.
Ông Trần Văn Nhi, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thực tế cho thấy, mô hình triển khai thành công không những giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định, mà còn từng bước thay đổi tập quán canh tác, đồng thời nhận thức được lợi ích của việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, không phụ thuộc vào nước trời, thời tiết, mùa vụ.
THÀNH NGUYÊN