Hỗ trợ máy móc cho doanh nghiệp may mặc phát triển
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ 560 triệu đồng giúp 3 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đầu tư phát triển quy mô sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và quảng bá thương hiệu.
Nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Công ty TNHH Sinh Phát VN (phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) đầu tư 6 cụm máy để phát triển sản xuất hàng may mặc, gồm: 1 máy cắt mẫu đa năng dùng trong ngành may; 1 máy may đổ nút mâm công nghiệp; 2 máy lập trình công nghiệp; 2 máy đính nút công nghiệp tự động.
Nhờ kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ, Công ty TNHH Sinh Phát VN (phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị may mặc tiên tiến. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Lê Thị Trúc Nhi, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Chúng tôi hiện có hơn 150 lao động, trong đó lao động nữ chiếm trên 90%, thu nhập bình quân 4 - 4,5 triệu đồng/tháng/người. Tổng vốn đầu tư mua sắm dàn máy mới của chúng tôi là hơn 725 triệu đồng, trong đó bên khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng. Các thiết bị, máy móc mới thay thế lao động thủ công từ 40 - 80%; máy mới, công suất cao, lại đồng bộ nên không chỉ công suất đạt mức 300 nghìn sản phẩm/năm mà chất lượng cũng cao hơn. Dự kiến sẽ hoàn vốn sau 30 tháng.
Công ty TNHH May Thái Triệu (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) cũng vừa đầu tư 1 máy nhồi lông vũ và 1 máy nén khí với tổng kinh phí 463 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 180 triệu đồng. Máy nhồi lông vũ tự động mới có nhiều ưu điểm như cân chính xác, bộ phận sấy đảo làm cho lông vũ luôn khô và tơi trước khi gắn kết vào sản phẩm. Trong quá trình vận hành, khi hết nguyên liệu, máy có tính năng tự động hút lông lên thùng chứa. Máy có hệ thống thu hồi lông thừa tự động, giúp phòng nhồi lông vũ luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe của công nhân. Nhờ đó, công ty có thể tạo ra những sản phẩm may mặc có chất lượng cao, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng các quy định để xuất khẩu. Những chiếc máy mới giúp dây chuyền sản xuất của DN hoàn chỉnh hơn, đủ năng lực cung cấp 200 nghìn sản phẩm/năm.
Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, nhiều DN sản xuất hàng may mặc đã được hỗ trợ từ đề án riêng. Qua đó giúp DN cải thiện năng lực và trình độ sản xuất, thêm tự tin khi ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Ông Phan Mạc Cẩm Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ tổng hợp Thanh Xuân (phường Bình Định, TX An Nhơn), cho biết: Với 3 máy may theo lập trình công nghiệp, chúng tôi có thể kéo giảm xuống đến mức tối đa các chi tiết bị lỗi so với may thường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nhân công, thời gian, hạn chế rủi ro, giảm ô nhiễm môi trường. Nhờ dàn máy mới, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu 100 nghìn sản phẩm/năm. Ước tính công ty sẽ hoàn vốn trong khoảng 35 tháng.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiệu quả thu được từ đề án là cơ sở để Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại giới thiệu, khuyến khích các DN may mặc tại địa phương mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, phát triển theo hướng hiện đại. Thời gian qua, quy mô, chất lượng các đề án được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, KT-XH ở địa phương.
HẢI YẾN