Tam quyền phân lập không phù hợp ở Việt Nam
Lịch sử lập hiến Việt Nam cho thấy, qua 5 bản Hiến pháp (1946, 1954, 1980, 1992, 2013) nhân dân Việt Nam không chỉ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kế thừa những thành tựu của lịch sử lập hiến thế giới mà còn vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có những ý kiến đề nghị: “cần thực hiện Tam quyền phân lập trong tổ chức quyền lực nhà nước” ở Việt Nam theo mô hình Nhà nước tư sản nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn kiên định quan điểm về việc tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Sự kiên định trên xuất phát từ việc tư duy cơ giới - nền tảng của thuyết tam quyền phân lập không phù hợp với truyền thống văn hóa và tâm lý dân tộc Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng để chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Có thể nói, tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, thống nhất vì mục tiêu chung đã trở thành giá trị văn hóa, ăn sâu trong tiềm thức và lối sống của dân tộc ta. Chính vì lẽ đó, phương pháp tư duy cơ giới - nhìn nhận mọi việc theo hướng tách biệt, không có mối liên hệ với nhau, “kiềm chế - đối trọng tuyệt đối” của thuyết tam quyền phân lập không phù hợp với truyền thống văn hóa và tâm lý dân tộc ta, không được dân tộc ta chấp nhận.
Mặt khác, bản thân học thuyết phân quyền chứa nhiều yếu tố bất hợp lý, do việc đề cao sự phân quyền một cách tuyệt đối nên chưa thấy rõ được những phương thức kiểm soát quyền lực ngoài nhà nước, mất đi vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân. Nếu thiếu sự giám sát này, việc phân lập các quyền cũng không giải quyết được vấn đề khi mà trên thực tế, ba quyền đều thuộc về liên minh của các nhóm chính trị. Việc phân quyền tuyệt đối ở các nước tư bản dẫn đến nạn tranh giành quyền lực thường xuyên giữa các đảng chính trị, các nhóm xã hội khác nhau để nắm một quyền hay toàn bộ quyền lực nhà nước. Trong điều kiện thiếu đạo đức chính trị và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện thì sự tranh giành quyền lực này sẽ gây ra mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Hiện nay, trên thế giới không có một khuôn mẫu cố định của học thuyết nhà nước pháp quyền để áp dụng cho mọi nhà nước. Việc thiết kế cấu trúc của quyền lực nhà nước phải xem xét đến những yếu tố tác động như truyền thống chính trị, môi trường lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển…Chính vì vậy, không thể khẳng định được rằng: mô hình phân quyền tuyệt đối là ưu việt, và cần phải thực hiện “tam quyền phân lập” ở Việt Nam nếu chỉ xem xét ở khía cạnh tổ chức của nó.
Xuất phát từ nguồn gốc tư tưởng, những ưu điểm, hạn chế của học thuyết tam quyền phân lập, xu hướng thống nhất quyền lực ở chính các nước tư bản; từ thực tiễn thể chế chính trị và truyền thống văn hóa, tâm lý dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã không lựa chọn thể chế tam quyền phân lập là phù hợp. Tư tưởng về sự thống nhất quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là một trong những quan điểm, đường lối thể hiện sự vận dụng sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta đối với những hạt nhân hợp lý của thuyết tam quyền phân lập. Tư tưởng này đã và đang phát huy được vai trò của mình trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trở thành nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
TRUNG NGÔN