NHÂN KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ YẾN LAN (15.8.1998 - 15.8.2023 ÂM LỊCH)
Yến Lan - tình bạn, tình quê hương
Năm nay, chẵn 25 năm ngày mất nhà thơ Yến Lan. Trong khuôn viên Nhà lưu niệm Yến Lan, Hội VHNT Bình Ðịnh phối hợp cùng UBND TX An Nhơn và gia đình nhà thơ tổ chức khánh thành tượng Yến Lan, do nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa thực hiện, UBND TX An Nhơn tài trợ kinh phí.
1. Nhà thơ Yến Lan sinh ngày 2.3.1916, tại phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn. Sáu tuổi, ông đã mồ côi mẹ, trải qua một tuổi thơ cơ cực nơi không gian chùa Ông bên Cửa Đông thành Bình Định. Có thể nói, ngoài nét cổ kính rêu phong của tháp Chàm, của Thành Bình Định… thì chùa Ông là không gian đóng vai trò lớn trong việc tạo nên tâm hồn và cốt cách của nhà thơ Yến Lan. Chùa Ông cũng là nơi đầu tiên ông gặp Hàn Mặc Tử, nơi chia ngọt sẻ bùi với Chế Lan Viên, Quách Tấn để sau này làm nên “Bàn Thành Tứ Hữu” - niềm tự hào của quê hương Bình Định. Chùa Ông cũng là nơi định mệnh, ông được gắn bó suốt đời với người con gái tên Lan, là vợ ông sau này.
Tượng nhà thơ Yến Lan, một tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa. Ảnh: ĐIỂM HỒ
Với tính lành hiền, trọng nghĩa, trân quí tình bạn, nhà thơ Yến Lan đã trở thành cầu nối, gắn kết ba người bạn còn lại thành bộ tứ, được giới phê bình phong là “Bàn Thành Tứ Hữu”, làm nên những áng thơ chói sáng trong nền văn học của nước nhà. Nhờ yêu thương, đùm bọc nhau, nên cả nhóm đều lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Năm 1936, Hàn Mặc Tử in tập Gái quê, rồi tập Thơ Điên (1938), Quách Tấn in Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941), Chế Lan Viên cho ra đời tập Điêu Tàn (1937), Yến Lan viết Bến My Lăng rồi Giếng loạn với 28 bài thơ viết về kiếp đời của các Chiêm nương.
Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác, nhà thơ Yến Lan hồ hởi tham gia cách mạng, công tác văn hóa văn nghệ ở Bình Định với các vị trí: Ủy viên văn hóa cứu quốc Bình Định, ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch kháng chiến. Năm 1954, đất nước chia hai miền Nam Bắc, các nhà thơ: Yến Lan và Chế Lan Viên tập kết ra Bắc, Quách Tấn ở lại miền Nam. Cách trở do chiến tranh, nhưng tình cảm họ dành cho nhau, dành cho quê hương vẫn không bao giờ vơi cạn.
2. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhà thơ Yến Lan về lại quê nhà, được mời tham gia Chủ tịch danh dự của Hội VHNT tỉnh Bình Định. Ông sống giản dị bên góc thành Bình Định cũ, chan hòa với bà con, lấy cảm hứng từ ký ức và đời sống của quê hương sáng tác hàng trăm bài thơ tứ tuyệt, trong đó có nhiều bài được đánh giá vào hàng tuyệt bút.
Ngoài mảng thơ viết trước 1945 sớm làm nên tên tuổi trên văn đàn và các tập thơ được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, gồm: Những ngọn đèn (1957), Tôi đến tôi yêu (1965), Lẵng hoa hồng (1968), viết trong những năm tháng ở miền Bắc, Yến Lan còn để lại hơn 500 bài thơ tứ tuyệt viết vào những năm cuối đời trên quê hương An Nhơn.
Với quê hương Bình Định, ông dành một tình cảm đặc biệt trong các tác phẩm của mình, qua rất nhiều bài thơ nổi tiếng về Bình Định, như: Bình Định 1935, Bình Định 1945, Bình Định 1947, Hôm nay đã đến, Bình Định ơi, Bình Định 1975 - 1976… hoặc các bài thơ tứ tuyệt: Mưa Bình Định, Cây me mẹ tựa, Nằm giữa quê ngoại, Bồn dừa tơ, Tàu ngang quê cũ, Nhớ, Về quê ngoại sau hai mươi năm... Gần như cả cuộc đời, nhà thơ dành trọn vẹn cho thơ, cho quê hương, nhưng như thế vẫn chưa đủ, ông tự thấy mình còn bao món nợ chưa trả hết: “Nhà không vườn, không gác, không sân/ Tôi nợ đời rau trái tôi ăn/ Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát/ Nợ em cài bên cửa một vầng trăng (Nợ).
Bạn văn Bình Định tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan trong lễ kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông. Ảnh: ĐIỂM HỒ
Và một điều thật quý giá được ông để lại cho mai sau là đức tính khiêm nhường, quý tài, trọng nghĩa... mà thế hệ hôm nay cần phải học hỏi. Nếu không có vai trò trung tâm làm cầu nối, thì chưa chắc bây giờ chúng ta có một danh xưng “Bàn Thành Tứ Hữu” mà mỗi khi nhắc tới, giới văn chương cả nước phải ngưỡng mộ, tự hào. Với tác phẩm và những cống hiến của mình, năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trước đó ông cũng được trao nhiều huân, huy chương cao quý.
***
Kỷ niệm 24 năm ngày mất Yến Lan, gia đình nhà thơ đã tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan trong một khu vườn nhiều cây xanh tại Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn. Với khu thờ tự, thư viện và phòng trưng bày tranh ảnh cùng nhiều hiện vật liên quan, Nhà lưu niệm đã trở thành một địa chỉ văn hóa mở, được công chúng quan tâm. Năm nay, chẵn 25 năm ngày mất của nhà thơ, trong khuôn viên Nhà lưu niệm, cùng với lễ tưởng niệm là chương trình thơ nhạc “Nhà thơ Yến Lan với quê hương”, giúp công chúng cùng hồi tưởng lại những xúc cảm yêu thương mà nhà thơ đã dành cho quê hương.
MAI THÌN