Lặng một dòng chảy quê nhà
Tiếng thở mùa (NXB Hội Nhà văn) là thi tập mới ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyễn Hữu Phú, một thầy giáo quê ở Khánh Hòa, dạy học ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa). Thơ anh như những tự sự, theo lối diễn ngôn điềm đạm mà chân thành. Anh viết nhiều thể tài, từ cảm thức mùa, đến những ghi dấu nơi mình đi qua, những rung động lứa đôi trai gái… Nhưng có lẽ, điều đọng lại và được gợi nhắc nhiều hơn cả, là nỗi đau đáu quê nhà, là những tìm về hồi ức ấu thơ, hình cha, dáng mẹ, để lặng lẽ một mạch chảy róc rách trong tâm hồn.
Quê hương, nguồn cội của mỗi người mà mỗi khi đi xa, những vọng thức lại trỗi về quay quắt. Chốn quê nhà trong thơ của Nguyễn Hữu Phú càng trở nên đậm đặc trong những ngày anh gieo chữ ngoài đảo xa, nỗi nhớ quê lại cồn lên thổn thức: “đêm cuộn mình tiếng bấc/ tràn vỡ từng tiếng quê” (Thời gian).
Quê nhà còn là những thân thương dáng hình đấng sinh thành, hiện diện ắp đầy trong thơ Nguyễn Hữu Phú với những ân cần, ấm áp. Đó là mẹ một đời tần tảo, luôn hy sinh, chở che, lắng lo đời con. Mẹ đã trở thành niềm kính vọng, đã là một phần máu thịt ký ức, ăn sâu vào ray trí nhớ. Những vắng xa bóng dáng mẹ xưa, khiến đứa con rơi tõm vào khoảng không nào xao xác, bốn bề lạc lõng. “Mẹ ơi Tết đã gần kề/ nhưng con lại thấy bốn bề chơi vơi/ Mẹ ngồi bên gió bên trời/ con tìm mòn mỏi ngàn khơi lối về (Gió chiều tháng Chạp). Với cha, cũng hằn in những thân thương ngày cũ, nỗi đau vắng xa người thân yêu của mình đi vào trong thơ tác giả tạo nhiều xúc động. “đêm nay mưa đổ từng cơn/ ngõ buồn lạnh lẽo lối mòn con trông/ ba đi về phía hư không/ nhà đầy gió thốc mênh mông con ngồi” (Nhớ ba).
Quê hương trong tập thơ này của tác giả bảng lảng một nỗi buồn. Nỗi buồn của kẻ lưu lạc, nỗi buồn của sự luyến tiếc. Nhà thơ gom nhặt từng mảnh vụn của ký ức để nâng niu, để đau, và thương hơn xứ sở, thương hơn bao ngọt lành chân quê đã ủ ấm anh trong năm tháng xa nhà. Mỗi lần trở lại quê hương, những bình dị thân thuộc lại càng gợi nhắc đến bao kỷ niệm khiến đứa con quê thêm nỗi bùi ngùi. “quê hương ngày trở về gió mát triền đê/ thơm thơm mùi bùn non quyện vào câu ca dao mẹ ru thuở bé/ hoa cỏ gà xước vào chân nghe tuổi thơ quay quắt/ từng tàu lá chuối phe phẩy gom gió mướt xanh” (Chạm vào nỗi nhớ).
Tiếng thở mùa nhẹ nhàng những tâm tình của người đang đi qua những mưa nắng xao xác cuộc đời. Bằng những câu thơ đầy chất tự sự, nhà thơ tìm về những điều gần gũi, quý giá nhất đời mình và những chân thành thổ lộ ấy của anh tạo nhiều cộng cảm với bạn đọc.
NGÔ PHONG