Giáo sư Trần Thanh Vân:
“Làm việc tận tụy là cách tốt nhất để kêu gọi mọi người cùng chung sức”
Tên tuổi của giáo sư (GS) Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã trở nên thân thuộc với người dân Bình Định. Bên lề Chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2014, GS Trần Thanh Vân đã dành cho PV Báo Bình Định một buổi “gặp gỡ” thân tình. Những chia sẻ của ông về sự phát triển của ICISE, về giáo dục, khoa học gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
ICISE góp phần thúc đẩy sự hợp tác giáo dục, khoa học giữa Việt Nam và quốc tế.
- Trong ảnh: Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam) chào đón các nhà khoa học quốc tế tại Lễ khánh thành ICISE năm 2013. Ảnh: MINH TUẤN
ICISE sẽ trở nên thân thuộc với thế giới về mặt khoa học
“ “Ngôi nhà” Quy Nhơn mở cửa đón các nhà khoa học! Có lẽ đó chính là giấc mơ cuối cùng của đời tôi…” GS Trần Thanh Vân đã luôn trả lời như thế khi được hỏi về ICISE ngay từ những ngày đầu công trình còn nằm trong ý tưởng. Giờ đây, ICISE không chỉ mở cửa chào đón các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, mà là điểm đến khơi dậy niềm đam mê khoa học cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam. Đây là một mục đích xuyên suốt mà vợ chồng GS Trần Thanh Vân vẫn luôn nỗ lực thực hiện.
- Từ sau lễ khánh thành trong năm 2013 đến nay, ICISE đã đi vào hoạt động như thế nào, thưa GS?
+ Đây là năm đầu tiên ICISE đi vào hoạt động sau lễ khánh thành vào năm ngoái. Năm nay chúng tôi đã tổ chức tại đây 4 hội nghị quốc tế về vật lý hạt và vật lý thiên văn với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học trên thế giới. Song song đó, chúng tôi cũng đã tổ chức 2 lớp học chuyên đề về vật lý hạt và vật lý thiên văn cho các nghiên cứu sinh trẻ của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng, vì ICISE đã đi vào hoạt động đúng như mục đích ban đầu chúng tôi đã đặt ra là tạo một nơi để các nhà khoa học trên thế giới có thể đến đây làm việc, trao đổi trong một không khí học thuật đỉnh cao nhưng vẫn rất thân tình, thoải mái. Đồng thời, các nhà khoa học trẻ cũng có cơ hội được tiếp cận, học hỏi với nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới - những người mà bình thường các em sẽ không có cơ hội gặp.
Tôi mong muốn thông qua các hội thảo này, ICISE sẽ trở nên thân thuộc với các nhà khoa học thế giới về mặt khoa học. Trong tương lai, ICISE là một điểm sáng trong khu vực, với các đối tác lớn là các trung tâm nghiên cứu vật lý hàng đầu thế giới, từ đó sớm có đóng góp cho nền khoa học nước nhà, nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
- Được biết, ngoài ICISE đã được xây dựng thành công, GS còn “tham vọng” sẽ xây dựng tại nơi này một công viên khoa học, trước mắt sẽ làm mô hình nhà vũ trụ và bảo tàng khoa học. GS có thể chia sẻ về điều này?
+ ICISE là nơi tổ chức những hội nghị khoa học với chất lượng học thuật đỉnh cao, vì vậy, sẽ rất khó hiểu đối với đại đa số dân chúng. Chúng tôi muốn khơi gợi niềm đam mê khoa học đến với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên (HS-SV), các em thiếu nhi. Vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng ở đây một công viên khoa học với khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi (gồm hoạt động vui chơi khoa học, các hoạt động khám phá biển đảo, bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ…).
Nhà mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học đã được xây dựng ở những nước phát triển như Pháp, Singapore… Đây là nơi tất cả mọi người có thể đến để tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu những hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên, khoa học.
Phải đầu tư vào giáo dục
Ngoài việc xây dựng làng SOS để giúp các em bé mồ côi Việt Nam có điều kiện sống và học tập tốt; tài trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học Việt Nam, GS Trần Thanh Vân còn tổ chức các chương trình du học Pháp cho HS-SV Việt Nam với sự tài trợ của Hội Gặp gỡ Việt Nam và sự góp sức của bạn bè quốc tế. Tất cả những nỗ lực này đều hướng tới mục đích giúp cho các thế hệ tương lai của Việt Nam có thể tiếp cận với những cơ hội học tập tốt, trở thành những người giỏi để có thể đóng góp cho xã hội.
- GS có thể cho biết, điều gì giúp ông có thể làm được rất nhiều việc cho HS-SV Việt Nam trong nhiều năm như thế?
+ Tôi và vợ tôi về hưu đã hơn 10 năm nay; 100% thời gian và sức lực mà chúng tôi có, đều dành cho các công việc liên quan đến Việt Nam. Chuyện gì làm được thì cả hai vợ chồng đều gắng làm. Bổn phận của chúng tôi là giúp cho tài năng của các em đi xa hơn nữa.
Tôi muốn nhiều nhà khoa học nước ngoài biết đến tài năng của HS-SV Việt Nam, để họ hiểu, tôn trọng và giúp đỡ chúng ta nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Muốn tương lai Việt Nam tươi sáng thì phải đầu tư vào giáo dục, phải đầu tư vào con người. Tương lai của đất nước nằm ở chính các em HS-SV. Đầu tư cho các em là sự đầu tư đúng đắn. Điều này không chỉ là việc của xã hội mà mỗi gia đình cũng phải thế.
Chúng tôi chỉ là những người đi trước mở đường
Dù đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng GS Trần Thanh Vân và vợ - GS Lê Kim Ngọc vẫn dồn hết tâm huyết cho những dự án mang tên “Việt Nam”. Bước chân bền bỉ của 2 ông bà đã mở đường cho nhiều dự án lớn lao. Lòng nhiệt thành của họ đã tự nhiên lan tỏa và nhận được sự giúp sức của rất nhiều người. Và may mắn thay, ICISE là một trong những nỗ lực lớn của họ để hình ảnh Việt Nam trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
- Một điều đặc biệt là trong các dự án của mình, GS luôn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè trong nước và quốc tế. Điều gì giúp ông có thể kêu gọi được những sự giúp đỡ quý báu như thế?
+ Vấn đề là mình hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Từ đó sẽ có sự tin cậy. Những người đã đến chung tay với chúng tôi họ tin tưởng việc chúng tôi làm. Chúng tôi luôn làm hết sức mình để đi đến điều đã lựa chọn. Làm việc tận tụy là cách tốt nhất để kêu gọi mọi người cùng chung sức. Và tất nhiên, những điều tốt, chân thành sẽ luôn được hưởng ứng.
- Đối với ICISE, GS có kêu gọi sự giúp đỡ hay không?
+ Nếu những năm 70 thế kỷ trước, tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam qua những làng SOS do chính người Việt Nam chung tay dựng lên; những năm 90 tôi muốn các nhà khoa học trên thế giới tham gia các hội nghị khoa học mang tên Gặp gỡ Việt Nam để biết về Việt Nam nhiều hơn, thì với việc xây dựng Trung tâm khoa học Quy Nhơn là cơ hội quý báu để quảng bá một hình ảnh thực sự tốt đẹp về Việt Nam hôm nay. Chúng tôi rất may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Bình Định, của TP Quy Nhơn để có được ICISE như bây giờ.
Chúng tôi luôn thấy rõ, muốn làm gì, mình phải tự túc trước tiên. Bạn bè thế giới đều biết chúng tôi đã tự bỏ tiền tích lũy được từ việc tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế hơn 40 năm qua vào thực hiện dự án. Tôi mong rằng, chúng tôi chỉ là người mở đường, còn đi xa hơn nữa là việc của tất cả chúng ta.
- Xin cảm ơn GS!
MAI HỒNG (Thực hiện)
Có những lúc thì đồng tiền thật đáng quý , có lúc chúng cũng vô giá trị. Sử dụng đúng mục đích, đồng tiền thật có ý nghĩa. Sử dụng sai mục đích, đồng tiền tiền đó có khi bị trách móc. Vậy chẳng hay giáo sư Trần Thanh Vân đã sử dụng đúng mục đích hay chưa, công sức của giáo sư đã cống hiến trên cuộc đời này để có những đồng tiền được tổ chức cho những lần gặp gỡ Việt Nam có thật sự mang lại những tín hiệu khả quan chưa. Thật là khó nói trước được điều gì nhưng nếu như bất cứ con người nào luôn tin tưởng vào những ý nghĩa thực chất những việc mình làm và bỏ qua những điều dối trá trên đời này thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ phải ân hận về những gì mình đã làm.