Thôn M6 phát triển chăn nuôi bò dưới tán rừng
Những năm qua, người dân thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn tích cực phát huy lợi thế, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò dưới tán rừng, qua đó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Thôn M6 có khoảng hơn 2.000 ha rừng phòng hộ trồng keo lai và bạch đàn được giao cho người dân quản lý, chăm sóc. Đặc trưng của loại hình rừng phòng hộ là thường xuyên dày (không được phép khai thác nhiều hơn 20% diện tích trong 1 lần khai thác) và điều này rất thích hợp để phát triển việc chăn thả bò dưới tán rừng.
Ông Nguyễn Đàm thả bò ăn dưới tán rừng. Ảnh: Đ.NGỌC
Mỗi năm, ông Nguyễn Mộng Thành đầu tư thả nuôi hơn 15 con bò, từ đây ông có khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Thành cho hay: Tôi đưa đàn bò chăn thả dưới tán rừng. Tại đây có nhiều loại thức ăn sẵn có như cỏ, các loại lá cây rừng, các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch nên đàn bò sinh trưởng tốt, tăng nhanh về số lượng.
Ông Nguyễn Đàm, một người nuôi bò khác chia sẻ, rừng ở từ độ tuổi 2 - 3 năm trở lên là thích hợp nhất để thả bò dưới tán. Nếu cây rừng còn nhỏ thì bò sẽ làm ngã đổ, gãy cây trồng, ngược lại nếu rừng nhiều tuổi hơn, đã khép tán sẽ rập, không có cỏ cho bò ăn. Việc thả bò dưới tán rừng không chỉ giúp giảm chi phí chăn nuôi, mà còn giúp dọn sạch cỏ, chồi cây dại, giúp cây rừng phát triển tốt hơn. Tôi nuôi 8 con bò sinh sản, mỗi năm có được khoảng từ 4 - 5 bê con, tiền bán bê không cũng thu được 40 - 50 triệu đồng.
Thôn M6 có 254 hộ thì có đến 75% số hộ có nuôi bò, với khoảng 900 con, trong đó 90% là bò lai, hầu hết đều nuôi thả dưới tán rừng. Trước đây người nuôi bò ở thôn M6 chủ yếu chỉ sử dụng thức ăn tự nhiên, chưa chú trọng đến vấn đề giống, dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh, thì giờ họ đã biết trồng cỏ, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để chủ động thức ăn cho bò; xây dựng chuồng trại kiên cố, tránh mưa tạt, gió lùa, đồng thời tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Nhờ đó đàn bò phát triển rất tốt, thành nguồn thu quan trọng; thu nhập bình quân đầu người ở thôn hiện đạt hơn 70 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Sỹ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho hay, 2 năm trở lại đây, chăn nuôi bò và trồng rừng là nguồn thu nhập chính của người dân Bình Tân, đặc biệt ở làng M6. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế kết hợp đạt hiệu quả cao, giúp người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số Bana có sinh kế ổn định từ rừng, từ đó yên tâm tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
ĐINH NGỌC