Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Những năm qua, công tác thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, góp phần ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật và tái phạm tội.
Nhân rộng các mô hình tiêu biểu
Xuất phát từ đặc điểm tình hình trên từng địa bàn, CA một số địa phương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND cùng cấp trong xây dựng mô hình để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, nhất là vai trò của hội, đoàn thể vào công tác giúp người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 10 mô hình tiêu biểu trong công tác này.
Tháng 10.2022, xã Tây An (huyện Tây Sơn) triển khai thực hiện mô hình “Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng”. Ban điều hành mô hình có 11 thành viên, đại diện cho các ngành, đoàn thể của xã và 5 thôn trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng Ban điều hành, mô hình được giao quản lý, giáo dục, giúp đỡ 31 người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương. Các thành viên thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của xã vận động, tuyên truyền, tặng quà, hỗ trợ và hướng nghiệp, giúp người từng lầm lỡ phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời. Ban điều hành mô hình đã vận động được 3 DN trên địa bàn ký cam kết sẽ tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương.
“Quá trình thực hiện đến nay đã có 14 trường hợp được xóa án tích đưa ra khỏi diện quản lý. 17 trường hợp đang quản lý hiện có việc làm ổn định, chấp hành tốt pháp luật, không tái phạm tội”, ông Thành cho hay.
Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hội, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội, nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú đã có ý chí, nghị lực và quyết tâm hoàn lương, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình là anh N.V.D. và anh L.T.P. (đều ở xã Tây An, huyện Tây Sơn); anh Đ.V.N. (xã An Quang) và Đ.V.G. (xã An Vinh, huyện An Lão)...
Trại giam Kim Sơn luôn chú trọng dạy văn hóa kết hợp giáo dục pháp luật để giúp phạm nhân hướng thiện, có ý thức tuân thủ pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: H.P
Cộng đồng chung tay
Thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, CA tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tích cực nâng cao hiệu quả công tác này. Đa số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú đều được chính quyền địa phương tiếp nhận và phân công cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ trong thời gian còn án tích.
Giai đoạn 2020 - 8.2023, có 1.978 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở Bình Định (có 1.926 người còn án tích). Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, trong giai đoạn này, tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù (số còn án tích) tái phạm tội trên địa bàn tỉnh dao động từ 1,03 - 1,31%; riêng 8 tháng đầu năm 2023, con số này chỉ chiếm 0,98%.
Ngay khi còn đang chấp hành hình phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam, phạm nhân đã được giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức và học một số nghề cơ bản hoặc được tư vấn nghề nghiệp trước khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi tiếp nhận người hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp quản lý, giúp đỡ họ về việc làm phù hợp để nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng dân cư.
Từ năm 2020 đến tháng 8.2023, đã có 968 người chấp hành xong án phạt tù được tư vấn, giới thiệu việc làm; có 260 người được các tổ chức, cơ sở sản xuất, DN tiếp nhận vào làm việc. Có 24 trường hợp được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH và các nguồn tín dụng khác để phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định. Riêng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã tổ chức tư vấn giới thiệu học nghề, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề sơ cấp cho hơn 980 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn (Bộ CA).
Đáng chú ý, Hội LHTN tỉnh và Trại giam Kim Sơn đã ký kết chương trình phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025. “Chúng tôi sẽ tích cực vận động DN trong cộng đồng của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tạo điều kiện về việc làm, cũng như tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh giúp thanh niên chấp hành xong án phạt tù vươn lên ổn định cuộc sống, tránh trở lại con đường cũ”, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thành Trung cho hay.
HỒNG PHÚC