Những bí mật hé lộ từ minh văn tháp Ðôi
Khi nghiên cứu văn hóa Champa, để xác định được tính chất, niên đại của một ngôi tháp các chuyên gia thường sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt bia ký hay minh văn của tháp là nguồn tư liệu chính xác nhất. Tuy nhiên, không phải ngôi tháp nào cũng còn bia ký, minh văn. Chính vì thế minh văn phát hiện tại tháp Ðôi là hiện vật quý hiếm.
Năm 1999 trong quá trình xây dựng Trường THCS Đống Đa người ta đã phát hiện vật lạ - một trụ đá với nhiều dòng khắc - sau này được xác nhận là minh văn của tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh). Trụ đá có kích thước cao 1,6 m, ba mặt có khắc văn tự Champa cổ rộng 0,34 m; phần trên trụ trang trí những dải băng ngang kiểu đăng đối hình hoa sen cách điệu; phần dưới trụ được trang trí một dải những con rắn Naga uốn lượn, xoắn vào nhau. Một mặt bên trụ đá có những vết đục khoét có chủ ý, có thể nhằm mục đích xóa bỏ thông tin. Các nhà khoa học đã xác định trụ đá này là một trụ cửa tiền sảnh phía Đông của tháp Đôi.
Đến nay tháp Đôi là ngôi tháp duy nhất tại Bình Định đã phát hiện minh văn. Năm 2003, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã dập văn tự khắc trên minh văn tháp Đôi gửi cho Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Paris (Pháp) dịch thuật. Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm 2015, Amandine Lepoutre, một nhà khoa học người Pháp đã công bố sơ bộ nội dung của minh văn trên.
Theo đó, minh văn tháp Đôi được chia thành nhiều nội dung khác nhau. Theo đó, ngôi tháp này được vua Jaya Parameśvaravarman xây dựng thờ thần Siva, có niên đại xây dựng vào năm 1152 saka (tức năm 1230 công nguyên). Minh văn cũng cho biết các điều khoản ràng buộc của những người hầu đến từ Panduranga, Haram; từ đó, giúp xác định địa vị những người hầu này. Cùng với đó là bản phả hệ về nguồn gốc tổ tiên của vua Jaya Parameśvaravarman; tôn giáo mà vua Jaya Parameśvaravarman thờ phượng. Điều khá bất ngờ là cùng với việc tôn kính một số vị thần Siva giáo vốn đã được thờ phụng trước đó bởi Jaya Indravarman của Grāmapura Vijaya thì đồng thời vua Jaya Parameśvaravarman còn theo đuổi Phật giáo.
Minh văn tháp Đôi hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Việc thờ cúng thần Siva tại tháp Đôi vốn đã được Henri Parmentier, học giả người Pháp chứng minh qua tư liệu điền dã khảo cổ học. Đầu thế kỷ XX, Henri Parmentier đến tháp Đôi khai quật, phát hiện được cái bệ tròn và một phiến đá vuông dùng làm chân chiếc bệ ở tháp Bắc. “Chiếc bệ này được khoét lại ở mặt trên thành hình cái chậu hình bát giác không sâu lắm. Chậu này dường như là biểu thị sự có mặt Linga”, Henri Parmentier viết trong công trình nghiên cứu thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại An Nam.
Với minh văn tháp Đôi, các nhà khoa học làm rõ hơn, chính xác hơn về thời điểm tháp Đôi được xây dựng - khoảng đầu thế kỷ XIII. Đây cũng là giai đoạn mà vương quốc Champa đã giành lại được độc lập từ đế quốc Khmer. Vì vậy, kiến trúc tháp Đôi vừa mang ảnh hưởng của Khmer, vừa có nét của kiến trúc Champa truyền thống. Sự dung hòa Champa - Khmer thể hiện khá cân bằng qua phần thân tháp là kiến trúc Champa với bình đồ vuông, giữ nguyên cách trang trí khắc tạc trực tiếp trên gạch ở hệ thống các vòm cửa giả, trang trí trên đá cũng ít dần; ngược lại mái tháp mang ảnh hưởng rõ ràng từ kiến trúc Khmer.
Có thể thấy, tháp Đôi không chỉ giữ vai trò trong sự chuyển tiếp về kiến trúc thời kỳ Vijaya, mà còn minh chứng phản ánh một giai đoạn người Champa dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của người Khmer để mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử vương quốc Champa.
ĐOAN NGỌC - NHƯ KHOA