Lãnh đạo EU ra Tuyên bố chung Granada về chiến lược tương lai
Tuyên bố chung nêu rõ Hội nghị Thượng đỉnh Granada vạch ra một đường lối hành động chiến lược định hình tương lai chung có lợi cho tất cả.
Ngày 6.10, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức kéo dài 1 ngày tại thành phố Granada, Tây Ban Nha, thảo luận về chiến lược tương lai và khả năng mở rộng liên minh, thông qua Tuyên bố Granada.
Tuyên bố chung có đoạn nêu rõ hội nghị các nhà lãnh đạo EU tại thành phố miền Nam Tây Ban Nha là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của quá trình đề ra những định hướng chính trị chung của EU và ưu tiên trong những năm tới, vạch ra một đường lối hành động chiến lược định hình tương lai chung có lợi cho tất cả.
Phát biểu họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết việc thông qua tuyên bố chung là một bước khởi đầu quan trọng cho những công việc trong tương lai nhằm xây dựng Chương trình Nghị sự Chiến lược EU giai đoạn 2024-2029.
Hội nghị Thượng đỉnh Granada đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo EU thảo luận về các ưu tiên trong tương lai cho chương trình nghị sự sẽ được thông qua vào tháng 6.2024.
Về vấn đề mở rộng liên minh, tuyên bố nêu rõ cả các nước hiện là thành viên và đăng ký gia nhập EU đều cần chuẩn bị sẵn sàng. Theo đó, các nước muốn gia nhập cần nỗ lực cải cách trong khi EU cũng cần vạch ra những cải cách và cơ sở nội bộ cần thiết.
Các quan chức EU cho rằng liên minh sẽ phải cải cách quy trình ra quyết định và các quy định ngân sách để tiếp nhận các thành viên mới.
Phát biểu sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định quá trình xem xét gia nhập EU sẽ được thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện và không "đốt cháy" giai đoạn.
Theo giới quan sát, điều này đồng nghĩa rằng tiến trình gia nhập EU của Ukraine cũng sẽ diễn ra theo trình tự thông thường, không có ngoại lệ.
Gia nhập EU yêu cầu các nước phải đáp ứng nhiều yêu cầu về các điều kiện chính trị và kinh tế.
Hiện có 8 nước, trong đó có một số nước Tây Balkan, đã được cấp quy chế ứng cử viên nhưng mỗi nước lại thực hiện một quy trình riêng.
Ngoài ra, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về chính sách nhập cư.
Tuy nhiên, vấn đề này không được đưa vào tuyên bố chung do còn nhiều chia rẽ giữa các nước thành viên.
Do Ba Lan và Hungary tiếp tục phản đối hiệp ước chung toàn khối về di cư và tị nạn nên nội dung này không được đưa vào tuyên bố cuối cùng.
Thay vào đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thông qua tuyên bố chủ tịch về di cư và tị nạn.
Cuộc tranh luận về di cư ở Granada diễn ra sau khi ngày 5/10 vừa qua, 22 trong số 27 nước EU đạt được thỏa thuận về Quy định khủng hoảng, trong đó thiết lập các quy tắc phải tuân theo trong các trường hợp khẩn cấp như dòng người di cư ồ ạt. Đây là một trong những phần quan trọng của Hiệp ước Di cư và Tị nạn châu Âu và cũng là phần cuối cùng của hiệp ước chưa được các quốc gia nhất trí.
Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu chống và chỉ trích rằng các quyết định về di cư giữa các nước EU được đưa ra bởi quy tắc đa số đủ điều kiện chứ không phải nguyên tắc đồng thuận.
Thời gian qua, số người di cư tìm cách tiếp cận bờ biển các nước EU không ngừng tăng.
Tính từ đầu năm đến nay, EU ghi nhận hơn 250.000 người di cư bất hợp pháp vào lãnh thổ./.
(Theo Duy Tùng-Lê Ánh/TTXVN/Vietnam+)