HLV điền kinh Bình Ðịnh Huỳnh Minh Hiếu: “Tôi thấy mình may mắn trong nghiệp huấn luyện”
“Sở hữu” báu vật của điền kinh Bình Ðịnh Phạm Thị Hồng Lệ, luôn sát cánh cùng học trò chinh phục hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ trong chục năm qua, nhưng khi nói về nghiệp cầm quân của mình, HLV Huỳnh Minh Hiếu khiêm tốn cho rằng mình là người may mắn…
Gian nan công tác tuyển quân
“Có bột mới gột nên hồ”, câu thành ngữ này rất sát với những gì mà HLV điền kinh trải qua. Để có được thành tích tốt, ngoài phương pháp huấn luyện khoa học, chế độ dinh dưỡng phù hợp, còn yếu tố cực kỳ quan trọng là tố chất của VĐV.
· Để có được “cô gái vàng” Phạm Thị Hồng Lệ hẳn ông phải mất rất nhiều công sức thuyết phục gia đình cô ấy…
- Đây là điều may mắn rất lớn mà tôi có được đến thời điểm này, và cũng chỉ là cá biệt thôi. Tôi là người trực tiếp đến nhà thuyết phục gia đình cho Lệ vào tập với đội tuyển điền kinh Bình Định, theo phân công của thầy Lục Văn Dũng (khi đó là HLV đội tuyển điền kinh Bình Định, hiện là Trưởng Phòng Quản lý TDTT - NV). Trước đó, Hồng Lệ đã 2 năm liên tiếp về nhất ở giải việt dã tỉnh, nhưng vì hình thể nhỏ nhắn, không đúng “tiêu chí” nên vẫn còn bị nghi ngại về khả năng phát triển chuyên môn.
Khi tôi đến nhà, cha Hồng Lệ đang ngồi cùng vài người thân quen, nghe phân tích về chế độ được hưởng khi tập luyện ở tỉnh, ông đã đồng ý sau khi được mọi người khuyên cho con theo điền kinh. Lúc đó gia cảnh Lệ rất khó khăn, khi cha mẹ phải nuôi 7 anh chị em ăn học. Vậy mà chỉ sau 1 năm tập luyện em đã giành được 2 tấm HCĐ ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014 và liên tiếp đạt được thành công ở nhiều giải đấu quan trọng sau đó.
HLV Huỳnh Minh Hiếu cùng học trò Phạm Thị Hồng Lệ sau khi giành HCV nội dung 10.000 m tại SEA Games 31 năm 2022. Ảnh: LÊ CƯỜNG
· Với một tài năng như vậy mà việc “chuyển nhượng” diễn ra suôn sẻ, chóng vánh, có vẻ như việc tuyển VĐV điền kinh thuận lợi hơn một số môn thể thao khác?
- Thấy vậy chứ không phải vậy đâu anh! Mỗi môn có cách tuyển VĐV khác nhau, trong đó điền kinh là môn đòi hỏi những thông số rõ ràng chứ không phải dựa vào cảm quan. Nhưng để khẳng định còn phải thông qua các giải đấu. Chúng tôi thường tuyển VĐV trong độ tuổi 13 - 14, nhưng khi các em đạt kết quả tốt ở giải đấu nào đó thì nhà trường luôn muốn giữ lại để năm sau thi đấu tiếp, không muốn “nhả” cho đội tuyển tỉnh. Nếu phải chờ thêm 1 - 2 năm thì các em tiếp cận với kỹ thuật cơ bản muộn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển chuyên môn. Vì vậy, chúng tôi đang có dự tính sẽ mở rộng phạm vi tuyển VĐV, tìm những nhân tố mới ở các tỉnh khác, nơi họ chưa đầu tư nhiều cho điền kinh.
Còn thêm một cái khó nữa là khi các em học lớp 12 hoặc lên đại học, thời gian dành cho tập luyện hạn chế. Cũng vì vậy mà nhiều em xin nghỉ hẳn để chuyên tâm việc học văn hóa. Để cân bằng việc học tập và duy trì tập luyện để có thành tích là điều không dễ, làm không khéo sẽ uổng phí mất mấy năm đào tạo. Có lẽ phải rất lâu nữa điền kinh Bình Định mới tìm được một VĐV có tố chất như Hồng Lệ.
Thành công trong huấn luyện
Qua 10 năm kể từ ngày quyết định đến với điền kinh chuyên nghiệp, Phạm Thị Hồng Lệ đã sưu tập đủ bộ huy chương vàng, bạc, đồng ở nhiều giải đấu danh giá mà nhiều VĐV mơ ước như: Giải vô địch quốc gia, Đại hội Thể thao toàn quốc và SEA Games… Để đạt được thành công đó, không thể không nhắc đến HLV Huỳnh Minh Hiếu - người thầy luôn đồng hành cùng cô.
· Quan điểm của ông về công tác đào tạo, huấn luyện là gì?
- Hiện nay cả 63 tỉnh, thành cùng một số ngành đều đầu tư cho điền kinh nên không thể trông chờ vào điều may mắn mà phải tự mình vượt qua được tất cả các đối thủ mới giành được vị trí cao nhất. Vì vậy, không có cách nào khác là phải áp dụng các phương pháp tập luyện khoa học nhất, chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất để nâng dần thành tích của VĐV. Cái khó của môn điền kinh là dù tập luyện cùng một nội dung, nhưng tùy thể chất của từng VĐV mà áp dụng bài tập khác nhau.
HLV Huỳnh Minh Hiếu cùng các học trò ở đội tuyển điền kinh Bình Định trong một buổi tập trên SVĐ Quy Nhơn. Ảnh: LÊ CƯỜNG
· Trở lại với câu chuyện của Hồng Lệ, cô ấy dường như chỉ thực sự bùng nổ khi chuyển sang nội dung marathon. Sao ông “nỡ” đẩy học trò vào con đường chinh phục cự ly đầy gian khó này?
- Từ khi bắt đầu thi đấu, Lệ đã nằm trong nhóm tranh chấp huy chương ở các cự ly 5.000 m và
10.000 m. Nhưng đến năm 2017, sau khi phẫu thuật ruột thừa, nghỉ tập một thời gian em tăng cân thấy rõ. Sau đó, chính Lệ đề xuất với tôi thử sức ở nội dung marathon. Xem thông tin về các chân chạy hàng đầu quốc gia khi đó, tôi nghĩ học trò mình có thể cạnh tranh được nên đồng ý tập thử một thời gian. Chưa sẵn sàng cho nội dung này, tôi phải tham khảo giáo án từ HLV khác rồi điều chỉnh cho phù hợp với khả năng của Lệ. Đến nay Hồng Lệ là VĐV duy nhất của Bình Định tham dự và đoạt huy chương tại 4 kỳ SEA Games liên tiếp, trong đó có huy chương ở nội dung marathon. Tôi tự hào về điều đó!
Duy trì phong độ VĐV là một nghệ thuật
Với nhiều VĐV, khi đã đạt được những thành công nhất định sẽ có sự thay đổi về tâm lý thi đấu, do đó, để duy trì được phong độ khi VĐV ở độ chín sự nghiệp cần có phương pháp động viên phù hợp…
· Nhìn rộng ra một chút, tại ASIAD 19 đang diễn ra, điền kinh Việt Nam trắng tay, dù vừa trải qua 2 kỳ SEA Games liên tiếp rất thành công, ông đánh giá thế nào về “nghịch lý” này?
- Để nhận xét về tập thể đội tuyển điền kinh Việt Nam tại ASIAD 19 thì cần có thêm nhiều dữ liệu về kế hoạch huấn luyện và thi đấu của từng VĐV cùng nhiều vấn đề khác. Nhưng nhìn tổng quan, tôi thấy ở một số nội dung VĐV của chúng ta đã đạt được các thông số rất tốt, như đội tiếp sức 4 x 400 m nữ, nhưng VĐV các nước khác mạnh hơn thì chịu rồi. Bên cạnh đó, thành tích của một số VĐV thấp hơn hẳn so với chính họ ở các giải đấu gần đây, cũng có thể do họ đã phải cày ải quá nhiều giải đấu và bị quá tải.
· Xin lỗi, nhưng chả lẽ một điều bình thường như thế - ông biết, tôi biết - mà HLV đội tuyển quốc gia lại không biết?
- Đúng rồi, ai cũng biết cả, HLV trực tiếp lại càng hiểu rõ điều này. Nhưng tôi cũng được biết, không phải HLV nào cũng được toàn quyền quyết định về chuyên môn. Có những lãnh đạo vì lý do nào đó luôn muốn có thành tích ở tất cả các giải đấu mà HLV không thể làm trái ý.
· Ồ vậy thì ta đã có thêm một góc nhìn khác để giải thích vì sao Hồng Lệ có phong độ khá ổn định suốt 10 năm qua…
- Cũng không hẳn thế đâu. Thật ra chúng ta chỉ thường chú ý đến những thành tích mà Hồng Lệ giành được, ít ai biết rằng bên cạnh đó em cũng từng trải qua không ít thất bại. Đó chính là những bài học thực tế nhất để Lệ trưởng thành hơn và tự biết đâu là mục tiêu chính mà mình cần hướng đến để tập trung một cách tốt nhất. Trong khi đó, HLV phải biết cách duy trì phong độ cho VĐV khi họ đã đạt ngưỡng. Thể trạng và tâm lý VĐV khi đó có nhiều khác biệt nên cần phải hiểu rõ để có sự động viên và đưa ra những bài tập phù hợp.
· Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)