Dưới mái nhà chung
Ðến với CLB Phụ nữ đơn thân trực thuộc Hội LHPN xã Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn), nhiều chị em dần cởi mở và yêu đời hơn. Cùng cảnh ngộ nên họ dễ có sự đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống...
Đồng cảm và chia sẻ
Với mong muốn tạo “mái nhà chung” cho những chị em một mình nuôi con (thuộc hai trường hợp: Mẹ đơn thân hoặc có chồng mất sớm), CLB Phụ nữ đơn thân chính thức được thành lập năm 2012. Hơn 11 năm hoạt động, hiện CLB có 89 thành viên. Ai cũng mang trong mình câu chuyện riêng với những nỗi lòng khó nói.
Các thành viên CLB luôn đồng hành, lắng nghe và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ảnh: D.N
Bà Dương Thị Mốt (SN 1965, ở thôn An Hội Bắc) trở thành mẹ đơn thân khi đã “lỡ thì”. Khát khao có mụn con để nuôi dưỡng, yêu thương, dù vất vả nhưng chưa khi nào bà để con thiếu cái ăn, cái mặc. Nhưng với bà, khó khăn nhất là đối mặt với định kiến. “Ngày đó, xã hội chưa cởi mở như bây giờ, lời ra tiếng vào là điều khó tránh khỏi. Nhưng khi quyết định một mình nuôi con, tôi đã xác định sống chung với những lời bàn tán ấy lâu dài. Chỉ xót con nhỏ ngây ngô, thiệt thòi chưa một lần giận mẹ…”, bà Mốt kể.
Bà Mốt đem nỗi lòng tâm sự với người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Thống (SN 1955, ở cùng thôn) thì được rủ tham gia CLB Phụ nữ đơn thân. Bà Thống không may mất chồng sau cơn bạo bệnh, cả đời lam lũ đủ nghề, một tay nuôi lớn ba người con. Vì hoàn cảnh tương đồng, bà Thống dễ hiểu tâm tư bà Mốt.
Bà Thống cho biết: “Khi còn trẻ, chúng tôi nhà gần nhau nên thường tâm sự chuyện con cái. Khi con trưởng thành, xa quê lập nghiệp, một mình lủi thủi ở nhà mãi cũng buồn nên tôi rủ bà Mốt cùng tham gia CLB. Điểm chung của các thành viên trong CLB là tôn trọng, không phán xét hoàn cảnh của nhau”.
Với sức lan tỏa mạnh mẽ, CLB thu hút cả những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng xa xôi. Bà Trần Thị Xuân Hanh (SN 1975, hộ cận nghèo ở thôn La Vuông) tham gia CLB gần 3 năm nay. Sự thấu hiểu, sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau là những lý do đưa bà đến CLB.
Bà Hanh nói: “Đều là phụ nữ, lại trong cảnh “phòng đơn gối chiếc”, trở thành trụ cột chính cho con cái dựa vào, chúng tôi không cần nói nhiều mà vẫn hiểu rõ nỗi vất vả, buồn tủi của nhau. Vậy nên dù mới quen biết, ai cũng thấy thoải mái và gần gũi vô cùng”.
Vui buồn có nhau
Tham gia CLB, các thành viên tìm được chỗ dựa tinh thần vững chắc. Khi con cái chọn sinh sống và làm việc xa quê, bà Thống ngày ngày một mình với ruộng lúa, bán thêm hàng cháo, bánh canh mỗi sáng ở chợ để khuây khỏa nỗi cô đơn.
Sợ “chị lớn” buồn, các chị em trong CLB sau khi thu xếp việc nhà, liền kéo nhau qua nhà trò chuyện, thi thoảng cùng nấu ăn, tâm sự. Ngôi nhà neo người nhờ đó mà đầm ấm, rộn tiếng cười. Từ những lần gần gũi ấy, họ đưa ra sáng kiến để dành ít tiền túi, tạo nên quỹ “thăm người ốm” để kịp thời hỏi thăm những chị em không may mắc bệnh cần chi phí điều trị. CLB còn xây dựng quỹ “đoàn kết” với mục đích hỗ trợ vốn cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Chiến đấu với bệnh đau cột sống 2 năm nay khiến chân đau nhức, co rút; sau phẫu thuật vẫn còn di chứng, bà Hanh không thể mang vác vật nặng quá 5 kg. Áp lực kinh tế đè nặng lên đôi vai người phụ nữ vốn đã quen khó, quen khổ để nuôi nấng con thơ làm bà trằn trọc mãi.
Bà Đậu (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc cho chị em trong CLB. Ảnh: D.N
Nhận thấy điều đó, tháng 8.2023, CLB cho bà vay 6 triệu đồng để mua heo giống chăn nuôi; đồng thời huy động một thành viên khác giàu kinh nghiệm giúp đỡ, theo sát là bà Nguyễn Thị Đậu (SN 1962, ở thôn Hy Tường), người từng được CLB hỗ trợ vốn năm 2022, nay đã bớt khó khăn, cuộc sống ổn định hơn.
Bà Hanh tâm sự: “CLB là chỗ dựa vững chắc cho những góa phụ và mẹ đơn thân ở xã. Ở đó, chúng tôi được nói lên câu chuyện của bản thân, có người lắng nghe và giúp đỡ hết mình. Với tôi, không gì hạnh phúc hơn vậy”.
DIỆU NGỌC