Tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, hành động vì sự phát triển bền vững quốc gia
(BĐ) - Chiều 7.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì tại điểm cầu Bình Định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh báo cáo những kết quả mà tỉnh Bình Định thực hiện ngăn chặn khai thác IUU. Ảnh: THU DỊU
Theo Bộ NN&PTNT, Đoàn Thanh tra EC làm việc từ ngày 10 - 18.10, tập trung vào các nhóm khuyến nghị: quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xử lý vi phạm. Bộ NN&PTNT rà soát các vấn đề liên quan, cử chuyên gia phối hợp với các địa phương triển khai các phần việc cụ thể theo nội dung khuyến nghị của EC. Đồng thời, Bộ có kế hoạch cụ thể về việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4.
Theo kế hoạch làm việc của Đoàn Thanh tra EC, tỉnh Bình Định là một trong các tỉnh dự kiến Đoàn sẽ tới làm việc. Tới thời điểm này, tỉnh Bình Định chuẩn bị chu đáo kế hoạch tiếp và làm việc Đoàn Thanh tra EC. Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh Bình Định thực hiện nghiêm túc giải nhóm giải pháp, nhiệm vụ ngăn chặn vi phạm IUU.
Tỉnh Bình Định hiện có 5.336 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký; 100% tàu cá (3.235 tàu) đang tham gia hoạt động khai thác hải sản vùng khơi đã được cấp phép khai thác thủy sản; còn lại 30 tàu cá không hoạt động (do bị hư hỏng, nằm bờ) nên chưa đăng ký cấp phép khai thác, đã xác định vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá (có danh sách và hình ảnh) để cung cấp khi có yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC. 100% tàu cá (3.235 tàu) đang tham gia hoạt động khai thác hải sản lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Hệ thống Trạm bờ trực 24/24 để theo dõi, phát hiện và và xử lý tàu cá vi phạm quy định về quản lý và sử dụng thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển. Từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện và xử lý 51 lượt tàu mất kết nối trên biển trên 10 ngày (trong đó có 40 tàu cá về bến trong tỉnh và 11 tàu cá về bến ngoài tỉnh). Xử phạt 39 trường hợp xử phạt với số tiền 945 triệu đồng, 1 trường hợp làm việc không xử phạt do bị bất khả kháng, thời tiết xấu không thể vào bờ trước 10 ngày. Đối với 11 tàu cá về bến ngoài tỉnh, ngành chức năng của tỉnh Bình Định đã có văn bản phối hợp với các địa phương khác để xử lý. Hiện nay 100% tàu cá khai thác vùng khơi khi rời cảng, cập cảng tại Bình Định đều thực hiện báo trước 1 giờ, đảm bảo trang thiết bị an toàn, số lượng, chức danh thuyền viên, ngư cụ khai thác theo quy định. Đối với nhóm tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh (400 tàu hoạt động ở các tỉnh phía Nam), tỉnh Bình Định đã phối hợp với các tỉnh có tàu cá hoạt động để tăng cường quản lý, giám sát tàu cá.
Từ đầu năm đến nay ngành chức năng đã kiểm tra 3.252/14.509 lượt tàu rời cảng, 2.919/11.802 lượt tàu cập cảng, đảm bảo đạt yêu cầu về số lượt kiểm tra theo quy định; thực hiện giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản tàu cá cập cảng bốc dỡ qua cảng với khối lượng 32.210 tấn. Đã xác nhận 444 hồ sơ với khối lượng 11.612 tấn; chứng nhận 374 hồ sơ cho 3.825 tấn cá các loại, đảm bảo đúng quy trình, không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.
Với 4 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, qua củng cố hồ sơ thì cả 4 tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh, trong đó có 3 tàu dưới 15m không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 1 tàu trên 15m có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Riêng đối với tàu có chiều dài trên 15m bị bắt khi khai thác trong vùng chồng lấn. Theo đó, tỉnh đã ra quyết định xử phạt đối 2 tàu cá vi phạm, 2 tàu còn lại có 1 tàu đã bán chuyển cho người dân ở tỉnh Tiền Giang, 1 tàu ở trong vùng chồng lấn.. Ngành chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp với địa phương liên quan để xử lý tàu cá vi phạm. Hiện tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch chu đáo, chi tiết để tiếp và làm việc với đoàn Thanh tra EC
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhận định, tới thời điểm này chúng ta nỗ lực thực hiện các giải pháp, qua đó đạt được một số kết quả tích cực như củng cố hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế liên quan tới hoạt động khai thác hải sản; quản lý đội tàu chuyển biến tích cực; kiểm soát đánh bắt ngoài khơi; xử lý vi phạm; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như mong muốn. “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành các địa phương là ngăn chặn, chấm dứt khai thác IUU không phải là làm để đối phó với Đoàn Thanh tra EC mà chúng ta hành động vì sự phát triển bền vững quốc gia. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền, lan tỏa để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ đại dương, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác hợp lý. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương chuẩn bị chu đáo làm việc với Đoàn Thanh tra EC với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe. Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có xử lý vi phạm một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Phải nâng cao ý thức và trách nhiệm bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến quy định liên quan đến chống khai thác IUU. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch... liên quan tới chống khai thác IUU. Các bộ, ngành trung ương và địa phương phải khẩn trương quy hoạch lại, xây dựng và phát triển kinh tế biển bền vững, tạo dựng sinh kế cho người dân ổn định và lâu dài”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
THU DỊU