Mối nguy sạt lở từ nhà ở trên núi
Theo Phương án ứng phó thiên tai tỉnh Bình Ðịnh năm 2023, tại TP Quy Nhơn có 3 khu vực nguy cơ sạt lở cao nằm ở triền núi hoặc dưới chân núi, nơi tập trung nhiều hộ dân xây dựng nhà ở không phép, sai phép, gây thêm mối lo cho chính quyền địa phương trước mùa mưa bão.
3 khu vực sạt lở cao tại TP Quy Nhơn gồm: Khu vực núi Một (khu phố 1) và tổ 27 (khu phố 5, phường Đống Đa), tổ 49 (khu phố 5, phường Quang Trung). Việc xử lý các nhà xây dựng không phép, sai phép đã, đang và sẽ được UBND TP Quy Nhơn và các phường tiến hành từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng cần thời gian nhất định. Trước mắt, do tiếp tục đối mặt với nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão năm nay, UBND các phường khi xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đều có sự quan tâm nhiều hơn đến các khu vực này.
Ngoài một số hộ dân đã được di dời, tái định cư, nhiều hộ dân còn lại ở triền núi Một (khu phố 1, phường Đống Đa) vẫn nơm nớp nỗi lo sạt lở (ảnh chụp ngày 7.9.2023). Ảnh: H.THU
Tại khu vực núi Một (khu phố 1, phường Đống Đa) có khoảng 47 hộ dân có nhà ở phía triền núi, chân núi nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Theo ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị của UBND TP Quy Nhơn, 9 hộ dân ở phía triền núi Một nguy cơ sạt lở cao hơn (thuộc tổ 2B, khu phố 1) đã nhận tiền bồi thường, đất tái định cư để tháo dỡ nhà giao trả mặt bằng ngày 10.9. Với số hộ dân ở phía triền núi, chân núi còn lại, phường cũng đã lên phương án vận động, di dời cụ thể khi có nguy cơ sạt lở xảy ra.
Theo bà Võ Thị Sương (62 tuổi), các hộ dân gần phía trước nhà bà có nguy cơ sạt lở cao hơn được di dời, tái định cư là đúng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước; các hộ dân còn ở lại tiếp tục nơm nớp lo sợ trong mùa mưa bão. Bà Sương cho biết: “Tôi từng chứng kiến khu vực phía trước nhà mình xảy ra sạt lở đất cách đây vài năm, hiện dấu vết vẫn còn rõ. Năm nay lo hơn, khi trong cơn mưa lớn ngày 4.9, phía sau nhà tôi sạt lở một khối đá khá lớn, may mà chưa lăn vào làm hư hại tường nhà”.
Khối đá sạt lở phía sau nhà bà Võ Thị Sương ở núi Một (khu phố 1, phường Đống Đa) trong cơn mưa lớn ngày 4.9.2023. Ảnh: H.THU
Tại khu vực nguy cơ sạt lở cao thuộc tổ 27, khu phố 5 (phường Đống Đa), phần lớn nhà người dân nhỏ, cũ kỹ, xuống cấp, nằm dưới chân núi Bà Hỏa. Đáng chú ý, có những căn nhà nhỏ xây dựng trên đất núi. Chủ nhân một căn nhà nhỏ như thế cho biết vì hoàn cảnh khó khăn, ông đành phải chịu cảnh nhà ở thiếu an toàn, vào mùa mưa những năm qua đã có đất đá sạt lở rơi xuống sát tường nhà.
Tại tổ 49, khu phố 5 (phường Quang Trung), từ tháng 5.2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu địa phương, cơ quan chức năng liên quan rà soát các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, có kế hoạch cụ thể và tổ chức cưỡng chế trước tiên đối với một số trường hợp.
Tháng 9 vừa qua, chúng tôi quay trở lại khu vực có nguy cơ sạt lở cao nêu trên, dọc đường đi lên nhiều nhà dân trên núi có đặt các bảng thông báo của UBND phường Quang Trung, với nội dung: “Khu vực này nghiêm cấm hành vi mua bán, sang nhượng, lấn chiếm xây dựng không phép, sai phép. Mọi trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, tại đây, các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng chưa bị cưỡng chế.
Ở khu vực trên, vẫn tiếp tục tồn tại nhiều nhà xây dựng trái phép, sai phép từ nhiều năm nay, đối mặt nguy cơ lớn về sạt lở. Trên thực tế, sau các cơn mưa lớn hai năm qua, tại đây đã xảy ra sạt lở gây hư hại nhà dân. Hiện khu vực này có các ngôi nhà nằm riêng lẻ trên cao, khá tách biệt với nơi tập trung nhiều nhà dân khác, nếu chẳng may bất ngờ xảy ra sạt lở có thể chậm được phát hiện, gây khó khăn cho việc cứu nạn.
HOÀI THU