Phát triển lâm nghiệp bền vững từ góc nhìn bình đẳng giới
Trong 2 ngày 5 - 6.10, tại TP Quy Nhơn, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức (GIZ), Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững”. Hơn 140 đại biểu tham gia diễn đàn đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giúp nâng cao vai trò, đóng góp của nữ giới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp bền vững.
Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào hoạt động lâm nghiệp. Vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động nông nghiệp nói chung, lâm nghiệp nói riêng đã được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương quan tâm thực hiện.
Các đại biểu tham gia trao đổi về việc tăng cường vai trò của nữ giới trong hoạt động phát triển lâm nghiệp. Ảnh: THU DỊU
Song, việc trao quyền cho phụ nữ trong thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp, bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành, luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, lợi ích xã hội và môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhận định: Việc thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành mà còn liên quan đến phát triển hình ảnh quốc gia. Đặc thù của Việt Nam là rừng núi chiếm diện tích lớn, cộng đồng cư dân sống gần rừng, sống bám vào rừng. Vì thế, trao quyền cho phụ nữ, trao sinh kế cho nữ giới góp phần giảm áp lực lên rừng, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững lâm nghiệp.
Với tỉnh Bình Định, nhiều năm qua việc lồng ghép và nâng cao vai trò của nữ giới trong phát triển lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Bà Lại Thị Nhung, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ: Đây đó vẫn còn phân biệt về giới trong quá trình thực hiện chuyên môn trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhưng riêng với cá nhân tôi, nhờ được sự chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo công ty, trong quá trình công tác tại công ty tôi có đủ điều kiện để khẳng định năng lực, hoàn thành công việc tốt.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Anh Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho rằng, phân biệt giới trong hoạt động lâm nghiệp vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, để khắc phục, bản thân những người công tác trong ngành phải tự thay đổi, chứng minh năng lực và dấn thân, nhận lãnh trách nhiệm để hoàn thành công tác. Khi mình chứng minh được sự phù hợp và tạo dựng được uy tín thì việc tạo ra sự công bằng, hoạt động chuyên môn thuận lợi hơn. Ở tỉnh Bình Định, trong ngành NN&PTNT nói chung, lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng vai trò, vị trí của nữ giới đã được khẳng định, họ tham gia làm công tác lãnh đạo, hoạt động chuyên môn tốt, được hỗ trợ và phát huy tối đa năng lực của mình.
Bình Định là một trong các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có tỷ lệ che phủ rừng khá cao, đạt 56,92%, với tổng diện tích rừng 345.580 ha. Trong những năm qua, cùng với các lĩnh vực khác của nông nghiệp, lâm nghiệp đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lâm nghiệp ở tỉnh Bình Định có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên để thu hẹp hơn nữa khoảng cách về giới trong hoạt động phát triển lâm nghiệp, việc quan tâm và trao quyền đúng mức cho nữ giới cần có thêm nhiều thay đổi tích cực hơn. Diễn đàn này là một kênh để lan tỏa, thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp của tỉnh Bình Định. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong bối cảnh tỉnh Bình Định đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH.
THU DỊU