Chủ động phòng, chống bệnh tăng huyết áp
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận đến 15.000 ca bệnh nhân tăng huyết áp mới. Ðây được xem là căn bệnh nguy hiểm, gây nên các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, đau tim, suy tim... Cùng với việc quản lý, điều trị, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành y tế cũng tích cực truyền thông để mọi người chủ động phòng bệnh.
Quản lý sâu sát từ cơ sở
Với 15.000 ca phát hiện mới, đến nay ngành y tế Bình Định đang quản lý điều trị trên 32.300 bệnh nhân tăng huyết áp (THA), hằng tháng cấp thuốc cho trên 17.800 bệnh nhân. Để phát hiện sớm bệnh nhân THA, từ đầu năm đến nay, được sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, ngành y tế đã triển khai khám sàng lọc, tư vấn, quản lý, điều trị bệnh nhân THA và đái tháo đường tại 40 xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn khám sàng lọc THA và đái tháo đường cho nhân viên y tế của 8 huyện, thị xã, thành phố và 40 xã, phường, thị trấn.
Trạm Y tế Canh Hòa (huyện Vân Canh) quản lý bệnh nhân tăng huyết áp qua phần mềm. Ảnh: T. YÊN
Cùng với đó, ngành y tế duy trì hoạt động khám định kỳ, kiểm tra huyết áp, tổ chức tư vấn hằng tháng cho bệnh nhân THA và thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện, ghi nhận, quản lý bệnh nhân THA tại nhiều cơ quan, đơn vị. Ngành y tế tuyến tỉnh còn giám sát, hỗ trợ cơ sở y tế ở các địa phương khám sàng lọc bệnh nhân THA, đái tháo đường. Cùng với đó, các trạm y tế ở xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp quản lý, cấp thuốc hằng tháng, tư vấn điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Bác sĩ Đoàn Thị Kim Tuyến, Trưởng Trạm Y tế xã Canh Hòa (TTYT huyện Vân Canh), chia sẻ: Khi có bệnh nhân đến khám bất kỳ bệnh gì, chúng tôi cũng sẽ khám và đo huyết áp, qua đó sẽ phát hiện những trường hợp THA. Tùy theo từng trường hợp chúng tôi sẽ tư vấn, cấp thuốc điều trị và quản lý theo phần mềm chuyên dụng. Ngay cả những bệnh nhân không do Trạm khám phát hiện nhưng nếu đã được xác nhận THA sẽ vẫn được đưa vào danh sách để quản lý, điều trị cấp thuốc định kỳ theo tháng. Cùng với tư vấn điều trị, chúng tôi còn tư vấn về dinh dưỡng, luyện tập hằng ngày để kiểm soát bệnh tốt hơn. Sau thời gian nhất định, chúng tôi sẽ gọi họ tái khám, nếu không có tiến triển tốt, chúng tôi sẽ giới thiệu bệnh nhân đến TTYT.
Phòng bệnh bằng lối sống lành mạnh
Vì không có triệu chứng rõ ràng nên THA được xem là “sát thủ giấu mặt”. Do vậy những người trong nhóm có nguy cơ nên để ý một số triệu chứng để có thể tự mình nhận diện sớm dấu hiệu THA.
Bác sĩ Trình Công Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho biết, THA là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. THA là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Một người được xác định là bị THA khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị THA là: Đau nhức đầu vào sáng sớm; chảy máu cam; nhịp tim nhanh; thay đổi thị lực; ù tai. THA nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: Mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, hồi hộp, đau tức ngực, run.
Hoàn toàn có thể được phòng ngừa THA và duy trì ở mức lý tưởng nếu thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, như: Kiểm soát cân nặng của cơ thể, ăn uống khoa học (ăn nhiều rau xanh và trái cây; giảm ăn muối, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ), thường xuyên vận động.
“Cụ thể ta nên lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 - 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Việc luyện tập còn giúp tránh xa stress - một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao. Các hình thức tập luyện tốt cho sức khỏe có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao tùy vào sức khỏe của từng người. Đồng thời phải duy trì lối sống lành mạnh như: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn; không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc; giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh”, bác sĩ Trình Công Tuấn tư vấn.
THẢO YÊN