Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bản đồ công nghệ
Sáng 9.10, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 với các hội, hiệp hội cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố 8 bản đồ công nghệ cho tất cả các lĩnh vực bộ quản lý, gồm: viễn thông, bưu chính, báo chí, xuất bản, chính phủ số, an toàn thông tin, đại học số và công nghệ số.
Bản đồ công nghệ đầu tiên cho quản lý nhà nước
Bản đồ công nghệ cho 8 lĩnh vực của bộ quản lý được xem là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.
8 bản đồ công nghệ cho tất cả các lĩnh vực Bộ TT&TT quản lý
Mỗi bản đồ công nghệ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực, với 4 loại thông tin là: mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian.
Bản đồ công nghệ sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn phù hợp với sự phát triển của công nghệ gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, sau 3 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 8 bản đồ công nghệ cho lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Cập nhật bản đồ công nghệ hàng năm
“Bản đồ công nghệ viễn thông là tài liệu dẫn hướng trong những năm tới cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát triển năng lực đo lường trong lĩnh vực viễn thông. Bản đồ giúp các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch thay đổi công nghệ, tránh các công nghệ lạc hậu. Các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư có thể tham khảo bản đồ công nghệ phục vụ các mục tiêu khác”, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 sáng 9.10
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, lĩnh vực báo chí tuy không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Hiện báo chí đã có được một bản đồ công nghệ gồm 12 công nghệ, định hướng công nghệ cho lĩnh vực báo chí trong nhiều năm tới, đặc biệt là với công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng, bằng công nghệ nền tảng số, nhận dạng tiếng nói, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, robot, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…
Còn Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến, bày tỏ, xây dựng chính phủ số là một lĩnh vực mới, vì thế rất khó khăn trong việc định hướng lựa chọn công nghệ.
“Thông qua bản đồ công nghệ lĩnh vực chính phủ số, chúng tôi đã có định hướng giúp các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức giải quyết được bài toán tránh đầu tư vào các công nghệ lỗi thời, công nghệ có dòng đời ngắn, công nghệ đắt đỏ nhưng ít mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ trong 2-5 năm tới, chúng tôi có thể lựa chọn các công nghệ như xác thực phân tán, micro-service, thị giác máy tính trong chính phủ số, điện toán đám mây lai”, ông Tiến nói…
8 bản đồ công nghệ được giới thiệu đầy đủ tại cổng thông tin của Bộ TT&TT. Thông qua đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu, áp dụng và phối hợp cùng với các đơn vị của bộ liên tục hoàn thiện, cập nhật hàng năm.
Theo Vân Anh (VOV.VN)