Chi hội trưởng nông dân giàu sáng tạo
Ở thôn Tam Hòa, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn, chị Ðặng Thị Nguyên (52 tuổi, tên thường gọi là Quyên), Chi hội trưởng nông dân thôn, được nhiều người yêu mến, coi như người nhà. Có được điều này là bởi nhiều người có thêm việc làm, thu nhập tốt từ sự giúp đỡ của chị.
Nhận thấy nghề trồng mai xuân, nghề đan sản phẩm nhựa giả mây phát triển mạnh ở các địa phương khác, chị Nguyên đề nghị Hội Nông dân xã Nhơn Phong hỗ trợ, hăng hái động viên những người có cùng mối quan tâm, thành lập tổ hội nghề nghiệp đan nhựa giả mây và chi hội đúc chậu kiểng phục vụ nghề trồng mai. Nhờ Hội Nông dân xã tích cực hỗ trợ, tính toán và kết nối bạn hàng nên cả hai tổ hội nghề nghiệp đều ăn nên làm ra; đến nay mỗi thành viên đều thu nhập ít nhất hơn 100 triệu đồng/năm. Không chỉ có vậy, hoạt động của hai tổ hội còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động khác với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi phát triển nghề đan nhựa giả mây, đúc chậu kiểng, chị Nguyên nghĩ ngay tới việc phổ biến nghề trồng mai ở Tam Hòa. Nghề trồng mai xuân vốn đã phổ biến ở An Nhơn nên việc học nghề không quá khó. Tuy nhiên phần nhiều bà con đều thiếu vốn đầu tư ban đầu. Với vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Nguyên đứng ra lập dự án, hỗ trợ để 35 hội viên được vay tổng cộng gần 2 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH An Nhơn đầu tư trồng mai xuân, xây dựng công trình nước sạch...
Nguồn vốn này cùng với sự động viên chân tình của chị Nguyên đã giúp nhiều hội viên có thêm động lực phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Đến nay, nhờ trồng mai xuân đã có 6 hộ thoát nghèo, hiện ở thôn Tam Hòa chỉ còn 1 hộ hội viên nông dân nghèo và 2 hộ cận nghèo.
Chị Đặng Thị Nguyên thăm vườn mai xuân của một hội viên nông dân ở Tam Hòa. Ảnh: X.T
Không chỉ hỗ trợ lập dự án, tiếp cận tín dụng chính sách, bản thân chị Nguyên cũng dành riêng ra chừng 120 triệu đồng của gia đình để cho hội viên nghèo, gặp khó khăn mượn dài hạn, không tính lãi. Có thể kể đến trường hợp chị T.T.P được mượn 20 triệu đồng để nuôi bò, trồng mai xuân; anh N.M mượn 15 triệu đồng để đúc chậu... Anh N.M giãi bày: Thấy tôi đông con, gia cảnh khó khăn, chị Nguyên đến tận nhà động viên tư vấn theo nghề đúc chậu kiểng; không chỉ vậy, chị còn cho tôi mượn tiền để mua vật tư, khuôn đúc, giúp tôi tìm chỗ tiêu thụ... Chỉ sau vài năm mọi thứ thay đổi hoàn toàn, không chỉ đủ ăn, tôi còn xây được nhà cửa khang trang. Vợ chồng tôi rất biết ơn chị Nguyên.
Chị Đặng Thị Nguyên tâm sự: Mình muốn làm điều tốt cho bà con, muốn bà con nghe theo thì trước tiên mình phải thành công cái đã. Ví dụ để bà con tin trồng mai xuân đạt hiệu quả kinh tế cao, tự tôi trồng và bán thành công hàng nghìn cây mai xuân trước. Muốn chứng minh làm ruộng lúa theo hướng an toàn, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô cơ để hạt lúa đạt chất lượng cao, tự mình tôi cũng chứng minh trước và rõ ràng lúa của tôi làm ra theo kiểu đó được giá hơn… Tôi còn tham gia mua bán vật tư, phân bón, mua lúa bán cho nhiều thương lái, nhà máy… Muốn thuyết phục bà con ưu tiên đầu tư cho con cháu học tập đầy đủ thì bản thân tôi phải dạy dỗ để con mình hiếu học.
Tấm lòng và sự nhiệt tình giúp đỡ nên uy tín của chị Nguyên và chi hội nông dân tăng cao; nhờ đó các hoạt động, phong trào do hội nông dân các cấp phát động được người dân thôn Tam Hòa hưởng ứng nhiệt tình.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phong, nhận xét: Chị Đặng Thị Nguyên được hội viên tín nhiệm bầu làm chi hội nông dân thôn Tam Hòa từ năm 2011 đến nay. Phong trào hội ở thôn Tam Hòa với sự dẫn dắt của chị Nguyên luôn sinh động, thiết thực, không riêng gì hội viên mà cả bà con địa phương cũng rất quan tâm. Nhờ đó nhiều năm liền Chi hội nông dân thôn Tam Hòa được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần chung để Hội Nông dân xã Nhơn Phong vững mạnh, xuất sắc vươn lên nhóm dẫn đầu ở TX An Nhơn.
XUÂN THỨC