Trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ: Hoạt động thiết thực, bổ ích
Trang bị kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp, hướng dẫn cách dùng bình chữa cháy và cách thoát nạn, sơ cứu cơ bản khi gặp phải sự cố cháy, nổ… là những nội dung thiết thực mà lực lượng Phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp trang bị cho người dân qua chương trình trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ diễn ra ngày 7 - 8.10 trên toàn tỉnh.
Trong 2 ngày diễn ra chương trình tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), đã có hơn 1.300 người là học sinh, sinh viên, nhân viên và chủ các cơ sở kinh doanh tham gia thực hành và trải nghiệm. Tại CA các huyện, thị xã, thành phố, có hơn 9.300 người tham gia.
Tại chương trình, người dân được xem tận mắt các thao tác biểu diễn kỹ thuật của lực lượng PCCC chuyên nghiệp như vượt qua chướng ngại vật, phá khóa, cứu người bị nạn trong môi trường nhiều khói… với thời gian tính bằng giây. Bên cạnh đó, các học sinh, người lao động, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh còn được trải nghiệm, thực hành chữa cháy, cứu nạn từ những tình huống cụ thể, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập lửa. Ảnh: K.A
Với tình huống “bình gas trong nhà bị rò rỉ gây cháy, chúng ta sẽ làm gì?”, chị Nguyễn Thị Hoàng Hà (ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn; người thực hiện trải nghiệm tình huống) chia sẻ: “Nhìn thấy lửa từ bình gas bốc lên, tôi có phần lo lắng. Nhưng khi được chiến sĩ PCCC hỗ trợ, hướng dẫn cách dùng bình chữa cháy, tôi ngay lập tức thực hiện theo và dập tắt được lửa từ bình gas. Nhà tôi cũng đang dùng bếp gas để nấu nướng, đây đúng là tình huống rất thực tế và hữu ích cho chính gia đình tôi”.
Trong khi đó, em Trần Quang Huy (học sinh Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) được trải nghiệm tình huống thoát nạn trên cao, di chuyển bằng thang dây xuống, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói. “Dù chỉ là trải nghiệm thôi, nhưng qua tình huống này, em cũng hiểu thêm nghẹt thở vì khói là nguyên nhân gây tử vong nhanh hơn so với bị bỏng và chết cháy. Do đó, để đảm bảo không ngạt khói, mình cần bịt miệng, mũi bằng khăn thấm nước hoặc dùng chăn quấn quanh người, cúi khom người, bò nhanh ra khỏi đám cháy. Tất nhiên là phải thật bình tĩnh…”, Huy hào hứng nói.
Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, sát thực tế cùng những phương án trải nghiệm phù hợp từng nhóm tuổi. Cụ thể, đối với nhóm độ tuổi học sinh THPT và cán bộ, công nhân viên, hộ kinh doanh, ưu tiên thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ gas; phun nước tiêu điểm, rải vòi chữa cháy, sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn; trải nghiệm cứu người, di chuyển thoát nạn trong không gian hạn chế và trong môi trường có nhiều khói. Đối với các em ở độ tuổi mầm non, tiểu học, ngoài thực hành dùng vòi xịt nước, còn được trải nghiệm thoát nạn với xe thang và thang dây.
Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), chương trình trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH năm nay được phát động và diễn ra trên phạm vi toàn quốc với hơn 220 điểm. Tại Bình Định, chương trình được tổ chức ở 11 huyện, thị xã, thành phố, nhằm giới thiệu rộng rãi đến người dân, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH cơ bản, hiện đại của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Đồng thời, giúp người dân nắm bắt được các kiến thức, trải nghiệm, thực hành, vận hành các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp sự cố cháy, nổ.
“Đây là hoạt động cộng đồng mang tính phòng ngừa từ chính những tình huống, trải nghiệm cụ thể tại nhà ở, nơi tập trung đông người để người dân nắm bắt nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy và thiệt hại do sự cố cháy, nổ gây ra. Đồng thời, qua hoạt động trải nghiệm này sẽ giúp người dân hiểu, thông cảm, giúp đỡ lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH trong quá trình công tác”, thượng tá Tuấn nói.
KIỀU ANH