Cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung
Ngày 20.8, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng (NV)1 vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) nhưng có mức điểm đạt từ mức điểm sàn ĐH và CĐ năm 2014 sẽ tiếp tục tìm hy vọng ở xét tuyển nguyện vọng bổ sung (gọi tắt NV2). Tuy nhiên, trong đợt xét tuyển này, thí sinh phải tính toán kỹ vì cơ hội vào các trường công lập vẫn còn, nếu sơ suất sẽ không còn hy vọng.
Còn nhiều chỉ tiêu ở trường công lập
Đến thời điểm này, các trường đã hoàn tất in giấy chứng nhận kết quả thi, đồng thời công bố thông tin xét tuyển NV2 để thí sinh tìm hiểu. Năm nay nhiều trường công lập dành nhiều chỉ tiêu cho thí sinh ở xét tuyển NV2.
Trường ĐH Sài Gòn dù điểm NV1 cao nhưng trường vẫn dành đến 875 chỉ tiêu xét tuyển NV2, trong đó hệ ĐH 500 chỉ tiêu và hệ CĐ 375 chỉ tiêu. Có nhiều ngành xét tuyển từ 50 - 230 chỉ tiêu như: ngành Khoa học thư viện, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật điện - điện tử. Hệ CĐ, trường xét tuyển ở tất cả các ngành với mức nhận hồ sơ là 12 điểm cho các khối A, A1, B, C, D1.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng dành 500 chỉ tiêu xét tuyển NV2. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có 150 chỉ tiêu xét tuyển NV2 ở các ngành Lịch sử, Giáo dục học, Quy hoạch vùng và đô thị, ngôn ngữ Ý. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa cũng dành hơn 350 chỉ tiêu xét tuyển NV2 hệ cao đẳng ngành Bảo dưỡng công nghiệp và ngành Công nghệ thông tin.
Các Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM cũng có nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV2. Ngoài chương trình đại trà, các trường này còn xét tuyển thêm các chương trình liên kết, chương trình chất lượng cao nhưng điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn mức 3 hệ ĐH.
Trong khi đó, những thí sinh thi khối C, D1, A muốn học những ngành xã hội cũng có cơ hội khi Trường ĐH Sư phạm TPHCM dành 575 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho các ngành như ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục Quốc phòng - an ninh, Vật lý, Văn học, Việt Nam học… Những thí sinh có điểm thi từ 19 - 22 điểm (khối C, D1) có thể tìm cơ hội vào Trường ĐH Luật TPHCM khi trường dành 195 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho các ngành Luật, Quản trị - luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh.
Đối với thí sinh thuộc khu vực phía Bắc cũng có cơ hội trúng tuyển vào các ĐH như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên. Trong khi đó, các ĐH vùng như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ cũng dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV2.
Rộng cửa trường tốp dưới
Nếu như điểm xét tuyển ở các trường công lập ở tốp đầu thường ở mức 16 - 22 điểm thì các trường tốp dưới không chỉ điểm xét tuyển thấp (thường bằng mức điểm sàn tối thiểu: 13 điểm (khối A, A1, D1) và 14 điểm (khối B) mà chỉ tiêu và các ngành xét tuyển cũng đa dạng hơn rất nhiều.
Tại TPHCM nhiều trường ĐH ngoài công lập dành cả 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV2 với mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn thấp nhất của Bộ GD-ĐT. Cụ thể như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hệ ĐH xét tuyển 1.270 chỉ tiêu, hệ CĐ 1.100 chỉ tiêu. Trường ĐH Văn Hiến xét tuyển 2.000 chỉ tiêu hệ ĐH và 500 chỉ tiêu cho hệ CĐ. Các trường khác như ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Kinh tế Tài chính, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Lang, ĐH Lạc Hồng… cũng dành hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển NV2.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các trường như ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Trà Vinh, ĐH Bạc Liêu và các trường ngoài công lập như ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Cửu Long, ĐH Võ Trường Toản… cũng dành trên 60% chỉ tiêu xét tuyển NV2. Thí sinh thuộc khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên và Tây Bắc sẽ được ưu tiên xét tuyển NV2 với điểm thấp hơn điểm sàn 1 điểm. Như vậy, những thí sinh ở 3 khu vực này nếu biết tính toán thì cơ hội trúng tuyển ĐH sẽ cao hơn rất nhiều so với việc đăng ký vào các trường ngoài khu vực này.
Khu vực miền Trung cũng có nhiều trường xét tuyển NV2 với chỉ tiêu rất lớn. Trường ĐH Xây dựng miền Trung dành 910 chỉ tiêu xét tuyển NV2 với điểm xét tuyển 13 điểm (khối A, A1, V). Trường ĐH Quảng Nam, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nha Trang… cũng xét tuyển cả ngàn chỉ tiêu cho NV2.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho biết: “Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, tất cả các trường đều nhận hồ sơ xét tuyển từ NV2 đợt 1 bắt đầu từ ngày 20-8 và thời hạn xét tuyển trong vòng 20 ngày. Do đó, thí sinh cần nắm rõ thông tin để nộp hồ sơ vào các trường để xét tuyển”. Ông Cường lưu ý: “Những thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng đủ điểm tham gia xét tuyển NV2 mà các trường không in giấy chứng nhận kết quả thì có quyền yêu cầu nhà trường in giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển. Trường nào không in giấy chứng nhận cho thí sinh và tự ý cho thí sinh trúng tuyển vào các hệ đào tạo, ngành đào tạo mà thí sinh không đăng ký là vi phạm quy chế”.
Theo Thanh Hùng (SGGP)