Lễ khánh thành, đặt tượng danh nhân Đào Tấn và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tại Tuy Phước
(BĐ) - Chiều 11.10, huyện Tuy Phước tổ chức Lễ khánh thành, đặt tượng danh nhân văn hóa Đào Tấn và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tại Công viên Can Lộc, huyện Tuy Phước. Việc làm ý nghĩa này nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài của dân tộc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ học tập và noi gương các danh nhân của quê hương, đất nước. Đây cũng là hoạt động nhằm bồi đắp, gắn kết nghĩa tình 2 huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) và Tuy Phước. Dự lễ có đại diện lãnh đạo Sở VH&TT, lãnh đạo huyện Tuy Phước và huyện Can Lộc.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành tượng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Ảnh: ĐỨC MẠNH
Danh nhân văn hóa Đào Tấn sinh ngày 27.2 năm Ất Tỵ (1845) tại làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định (nay là xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Năm 1867, Đào Tấn đỗ cử nhân, lúc đó ông mới 22 tuổi. Bốn năm sau ông được thọ hàm Kiểm tịch, sung vào Ban Hiệu thơ ở Huế. Ban Hiệu thơ thực chất là Ban Sáng tác tuồng do chính vua Tự Đức làm chủ. Trong cuộc đời làm quan của mình, cụ Đào Tấn trải qua rất nhiều chức vụ nhưng dấu ấn của ông để lại với người dân xứ Nghệ đó là 2 lần bổ nhiệm làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) năm 1889 và năm 1898.
Nguyễn Thiếp sinh ngày 25.8 năm Quý Mão (1723) tại thôn Mật Thiết, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông nổi tiếng là người thanh tao, có trình độ uyên bác nhưng sống ẩn dật. Được Chúa Trịnh nhiều lần mời ra làm quan, nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung kiên nhẫn cầu hiền ông mới nhận lời giúp. Tháng Chạp năm 1788, trên đường đem quân ra Bắc lần 3 đánh quân Thanh xâm lược, Quang Trung hội kiến với Nguyễn Thiếp tại Nghệ An. Ông thống nhất với Quang Trung thời cơ đánh quân Thanh, chiến lược thần tốc và khẳng định vua Quang Trung sẽ thắng trận. Đánh quân Thanh xong, vua Quang Trung bắt tay vào xây dựng và củng cố vương triều trên các mặt chính trị, quân sự, văn hóa…, Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung mời tham gia trông coi việc thi cử, chọn đất lập đô. Khi Quang Trung lập Sùng Chính viện đã cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, trực tiếp chỉ đạo việc dịch các sách chữ Hán, chữ Nôm…
ĐỨC MẠNH