Thiết bị bộ lái thủy lực tàu thuyền điều khiển từ xa: Tăng độ an toàn, giúp lái tàu “vững tay”
Giải pháp Bộ lái thủy lực tàu thuyền (có điều khiển remote) của tác giả Lê Tấn Thêm, 44 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm (TP Quy Nhơn) vừa đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh lần thứ XIII - 2023 lĩnh vực Cơ khí tự động hóa, xây dựng, GTVT. Ðây là giải pháp có tính ứng dụng cao, được nhiều khách hàng là chủ tàu ở các tỉnh tín nhiệm.
Theo ông Thêm, hầu hết tàu cá, sà lan… đang hoạt động trên biển, hoặc tàu vỏ gỗ vừa và nhỏ hoạt động trên các con sông lớn đều có kiểu lái dây truyền thống (lái cơ) thiếu tính ổn định và kém an toàn. Lái dây có nhược điểm là khá nặng, tốn nhiều nhân công khi lắp đặt, vận hành. Đặc biệt, khi gặp thời tiết xấu, lái tàu rất khó điều khiển. Trong bối cảnh giao thương, vận chuyển bằng đường thủy và khai thác thủy hải sản ngày càng phát triển với nhiều tàu, sà lan có tải trọng và kích thước lớn, công suất cao thì hệ thống lái cơ không còn phù hợp.
Ông Lê Tấn Thêm (bên trái) cho biết, ngoại trừ máy lái tự động được sản xuất tại Úc, các thiết bị để hoàn chỉnh bộ lái thủy lực tàu thuyền (có điều khiển remote) đều do công ty sản xuất. Ảnh: AN NHIÊN
Vì vậy, ông Lê Tấn Thêm đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chế tạo bộ lái thủy lực tàu thuyền có thể điều khiển từ xa bằng remote với nhiều ưu điểm vượt trội, tối ưu hóa hoạt động điều khiển, khắc phục được những hạn chế của lái dây. Đáng chú ý, bộ lái thủy lực tàu thuyền được làm hoàn toàn bằng chất liệu inox, hoặc kết hợp thép không gỉ nên có độ bền cao. Hơn nữa, bộ lái thủy lực tàu thuyền do ông Thêm sáng chế dễ sử dụng, lái nhẹ, điều khiển chính xác vòng quay của vô lăng khi gặp thời tiết xấu (biển động, gió giật mạnh…). Đặc biệt, lái tàu có thể rời vô lăng, sử dụng remote điều khiển từ xa - như cách các chủ tàu cá khai thác bằng lưới vây đang áp dụng. Hiện nay, giải pháp này được nhiều tàu chở khách (loại 32 chỗ ngồi), tàu chở hàng hoặc sà lan từ 50 - 500 tấn, tàu cá từ 40 - 400 CV lắp đặt, sử dụng.
Ông Võ Hoàng Út, một chủ tàu ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, người đã mua bộ lái thủy lực tàu thuyền từ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm, nhận xét: Trước đây, tàu cá của tôi dùng lái dây kiểu cũ, tốn kém nhiều loại chi phí mà hiệu quả thấp. Hệ thống cũ sử dụng cần lái thông qua trục truyền động để điều khiển chân vịt. Để hệ thống hoạt động, thuyền viên phải mất rất nhiều sức lực, nhất là khi cần tăng tốc đột ngột. Chưa kể, khi tàu tăng tốc hoặc dừng lại đột ngột, đổi hướng thì phản lực có thể gây tổn thương cho người điều khiển nếu không giàu kinh nghiệm lái tàu. Tuy nhiên, sau khi tàu được lắp đặt bộ lái thủy lực thì những hạn chế này không còn nữa. Điểm sáng tạo đáng kể của anh Thêm là đã thiết kế bộ lái thủy lực rất đơn giản, gọn gàng (920 cm x 460 cm x 140 cm, nặng 150 kg), dễ vận hành, giúp tiết kiệm được nhiên liệu, nhân công. Từ đó, chủ tàu có thể tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn, nhất là khi tàu cá di chuyển dài ngày trên biển…
TS Nguyễn Văn Anh, Trường ĐH Quy Nhơn (thành viên ban giám khảo Hội thi), nhận xét: Bộ lái thủy lực tàu thuyền (có điều khiển từ xa bằng remote) là thiết bị do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm trực tiếp sản xuất. Đây là giải pháp đáp ứng được nhiều tiêu chí đề ra của Hội thi, thiết kế tốt, độ bền cao, có tiện ích mở rộng, giúp người dùng dễ dàng điều khiển các tàu cá, sà lan với tải trọng lớn một cách chính xác, không tốn nhiều công sức, ít sử dụng nhân công mà còn dễ dàng thay đổi hướng di chuyển của tàu như mong muốn. Chưa kể giá không quá cao - khoảng 30 triệu đồng/bộ; được người dùng nhiều nơi trong nước (Hải Phòng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang...) tin dùng.
AN NHIÊN