Đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp
Đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra các nhóm vấn đề nổi cộm và đề xuất gợi mở 5 giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 11.10, tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam, chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ những đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp và đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong bối cảnh hiện nay.
Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình thế giới và trong nước trong 9 tháng đầu năm có nhiều khó khăn và thách thức bất thường, phức tạp hơn so với dự báo. Song với có sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội và chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.
Doanh nghiệp đối mặt với những áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. (Ảnh: Vietnam+)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra các nhóm vấn đề nổi cộm như sức mua của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm. Việc thiếu đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc giữ chân người lao động để chờ đợi thị trường phục hồi. Không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với những áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Thời gian gần đây, tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh với mức tăng kỷ lục trong tháng Tám cùng với việc lãi suất cho vay bằng USD tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đối mặt với áp lực lớn từ việc gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất. Thêm vào đó, các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các gói tín dụng do các điều kiện, thủ tục phức tạp, lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, các vướng mắc đến từ rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai," không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm dỡ bỏ các rào cản, khó khăn về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh các khó khăn, bất cập mới nảy sinh cộng với tâm lý "sợ sai, sợ trách nhiệm," đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức.
Mặt khác, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn Xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ... cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. Thủ tướng cũng chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc thường xuyên với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Trong đó, tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Nhanh chóng gỡ rào cản
Với trách nhiệm là lãnh đạo cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp.
Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Cơ chế "một luật sửa nhiều luật" vận dụng đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay. Toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ cần được khẩn trương cụ thể hóa.
Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; Rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh; Rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu phương án ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp, dự án xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghiên cứu phương án ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp chuyển đổi số; Tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển…
Thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn (như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…) và phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Các cấp quản lý cần tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đặc biệt qua các nền tảng số và thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Thứ tư là hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.
Thứ năm là đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cũng cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Về phía các tổ chức, hiệp hội, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Các hiệp hội cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, ưu tiên ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ để biến thách thức thành cơ hội…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân: "Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có khả năng thích ứng, bứt phá và tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu"./.
(Theo Hạnh Nguyễn/Vietnam+)