KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ÐẢNG (15.10.1930 - 15.10.2023)
Lan tỏa sâu rộng phong trào “Dân vận khéo”
Những năm qua, “Dân vận khéo” đã trở thành phong trào thi đua chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai rộng khắp với nhiều biện pháp, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị; từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội.
“Dân vận khéo” việc gì cũng thành công
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án), đoạn qua địa phận xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn) có tổng chiều dài hơn 2,3 km, qua các thôn Bỉnh Đức, Nhơn Thuận, An Vinh 1 và An Vinh 2, tổng diện tích đất thu hồi hơn 17,7 ha. Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, Đảng ủy xã nhận định công tác dân vận trong GPMB cần phải đi trước, nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai.
Tổ vận động xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn) gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của người dân tại khu tái định cư thôn Nhơn Thuận, bị ảnh hưởng bởi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: T.C
Tháng 7.2022, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã thành lập mô hình dân vận khéo Tổ vận động, phản ứng nhanh bồi thường, GPMB và tái định cư thực hiện Dự án. Từ đó, UBND xã thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, tuyên truyền về Dự án cho người dân hiểu; ghi nhận những ý kiến vướng mắc, báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân…
Nhờ vậy, hầu hết người dân có đất thu hồi đều ủng hộ chủ trương, mong muốn Dự án sẽ được triển khai nhanh. Đáng chú ý, tại thôn Nhơn Thuận, An Vinh 2 có 47 hộ dân nằm trong diện giải tỏa trắng. Qua tuyên truyền, các hộ đều nắm rõ các quy định GPMB, đồng ý nhận tiền đền bù; trong đó, có 40 hộ được xét tái định cư và đã di dời đến nơi ở mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tây Vinh Dương Ngọc Hiến, hiện xã vẫn còn gặp một số khó khăn về GPMB, bởi một số hộ dân bị thu hồi một phần đất nhưng lại muốn giải tỏa trắng để xét tái định cư, hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng sạch cho chính quyền. “Thời gian tới, Tổ vận động xã tăng cường tuyên truyền, giải thích thêm về các quy định GPMB, đền bù để các hộ chấp hành. Dự kiến, cuối tháng 11.2023, UBND xã sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho các đơn vị làm Dự án”, ông Hiến nói.
Trước đây, trên địa bàn xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) thường xảy ra một số vụ trộm cắp, gây ảnh hưởng đến ANTT. Nguyên nhân là nhà ở không có tường rào cổng ngõ, người dân có thói quen đi làm không đóng cửa, thường bỏ xe ngoài đường, tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp ra tay.
Theo thiếu tá Đinh Văn Goan, Trưởng CA xã Vĩnh Hòa, năm 2021, CA xã Vĩnh Hòa đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo “Camera an ninh nông thôn”, lắp đặt 6 camera tại các điểm trọng yếu tại 6 thôn, làng, với kinh phí 20 triệu đồng, huy động từ nguồn lực xã hội hóa và người dân đóng góp.
“Từ khi mô hình camera an ninh đi vào hoạt động, CA xã đã phát hiện 2 vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố 2 đối tượng. Đồng thời, hệ thống camera còn trực tiếp ghi lại những vụ việc quan trọng, các vụ TNGT, góp phần bảo đảm ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân”, thiếu tá Goan nói.
Ông Đinh Văn Quang (ở thôn M7, xã Vĩnh Hòa) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc lắp hệ thống camera an ninh tại các thôn, làng. Đây chính là công cụ giúp bảo vệ bình yên cuộc sống người dân, bảo vệ an toàn cho gia đình mình, thể hiện sự văn minh ở các làng quê”.
Cần “nâng chất” các mô hình
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh hưởng ứng tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.191 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả lĩnh vực. Nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, lựa chọn nội dung cụ thể sát với tình hình thực tế để thực hiện; cũng như chỉ ra những vướng mắc, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của từng mô hình.
Bà Cao Thị Tường Sinh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn cho biết, trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện có 117 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, đánh giá các mô hình, lựa chọn mô hình hiệu quả để nâng cao chất lượng và nhân rộng; loại bỏ mô hình kém hiệu quả không phù hợp, bổ sung các mô hình mới, phù hợp hơn với tình hình KT-XH của từng địa phương.
Để thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đảm bảo có trọng tâm, thực chất, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh Đinh A Zơn cho hay, Ban Dân vận Huyện ủy đã tăng cường tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương xây dựng, thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân. Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình tiêu biểu.
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ, để tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình “Dân vận khéo”, thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tăng cường nhân rộng các mô hình ở cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đưa việc chỉ đạo thực hiện mô hình “Dân vận khéo” vào nội dung, chương trình công tác của cấp ủy và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát để các mô hình có sức lan tỏa.
“Trong quá trình triển khai, nếu gặp những khó khăn, vướng mắc, đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận cần phải kịp thời tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp để có biện pháp tháo gỡ trong công tác phát triển, xây dựng, nhân rộng mô hình. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận của Đảng”, bà Vũ nhấn mạnh.
TRIỀU CHÂU