Mỹ áp đặt trừng phạt với các chủ tàu chở dầu Nga trên mức giá trần
Ngày 12.10, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga trên mức giá trần 60 USD/thùng. Hai tàu bị trừng phạt gồm 1 tàu có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và một tàu có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Chính quyền Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ice Pearl Navigation SA có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ sở hữu của tàu Yasa Golden Bosphorus, vì vận chuyển dầu thô ESPO của Nga có giá trên 80 USD/thùng sau khi mức trần có hiệu lực vào tháng 12.2022.
Mỹ áp đặt trừng phạt với các chủ tàu chở dầu Nga trên mức giá trần. Ảnh minh họa: KT
Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lumber Marine SA có trụ sở tại UAE, chủ sở hữu của SCF Primoyre, vì vận chuyển dầu thô Novy Port của Nga có giá trên 75 USD/thùng.
Mỹ cùng các nước G7 khác và Australia đã áp đặt mức giá trần vào năm 2022, nhằm giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu bằng đường biển. Theo đó cấm các công ty phương Tây cung cấp các dịch vụ hàng hải, gồm bảo hiểm, tài chính và vận chuyển, đối với lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga được bán trên 60 USD/thùng, đồng thời tìm cách duy trì lượng dầu chảy vào thị trường. Trần giá cũng được áp dụng đối với xuất khẩu nhiên liệu của Nga.
Giá dầu toàn cầu đã tăng lên khoảng 85 USD/thùng trong những tháng gần đây do sản lượng cắt giảm và năng lực sản xuất dự phòng trên thế giới giảm. Quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết mức trần buộc Nga phải trả khoảng 36 đôla/thùng cho các dịch vụ hàng hải không phải của phương Tây, khiến chi phí phát sinh, làm giảm doanh thu của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cũng cho biết, trần giá đã làm giảm mạnh doanh thu của Nga trong 10 tháng qua. Ngay trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại cuộc họp thường niên của IMF-Ngân hàng Thế giới ở Maroc cho biết, mức trần này đã có hiệu quả trong việc làm giảm nguồn thu của Nga nhưng vẫn có những lỗ hổng cần khắc phục.
Theo Trần Nga (VOV1)