15 người Việt Nam ở gần Dải Gaza đã được chuyển đến vùng an toàn
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel ngày 12.10 cho biết một nhóm gồm 15 tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam đang học tập ở khu vực gần với Dải Gaza đã được di chuyển tạm thời đến nơi an toàn hơn
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, hiện có khoảng 100 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập tại Trung tâm đào tạo quốc tế về nông nghiệp của Israel mang tên Agrostudies. 15 người nói trên đang sinh sống ở gần thị trấn Sredot, khu vực có nhiều rủi ro do xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Người dân Palestine rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza ngày 9.10.2023, sau khi xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel leo thang. Ảnh: AFP/TTXVN
Số còn lại đều đang sinh sống và học tập ở các địa phương khác trên khắp Israel. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt, các tu nghiệp sinh đã được chia thành các nhóm nhỏ, di chuyển đến TP Malakhi, cách Dải Gaza khoảng 40 km, để đảm bảo an toàn trong những ngày tới.
"Đại sứ quán đã rà soát tình hình cộng đồng, tu nghiệp sinh, học sinh, sinh viên tại tất cả các địa phương ở Israel. Với nhóm tu nghiệp sinh ở gần Dải Gaza có rủi ro cao, Đại sứ quán đã liên lạc và đề nghị Trung tâm Agrostudies di chuyển các em đến địa điểm an toàn hơn" - Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết.
Trước tình hình xung đột tiếp tục diễn biến căng thẳng, khó lường, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện những diễn biến an ninh bất ổn tại khu vực miền Bắc Israel, ngày 11.10, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã ra thông báo khuyến nghị cộng đồng người Việt tại đây giữ bình tĩnh; tuyệt đối tuân thủ các quy định, hướng dẫn của chính quyền và các cơ quan chức năng của sở tại về bảo đảm an ninh, an toàn; giữ liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán, nhất là trong trường hợp khẩn cấp.
Đồng thời, những ai nếu thực sự có nguyện vọng trở về Việt Nam hoặc di chuyển sang nước thứ ba thì cần chủ động và nhanh chóng tìm các chuyến bay thương mại với thời gian phù hợp nhất. Hiện nay, sân bay quốc tế Ben Gurion vẫn hoạt động, nhiều hãng hàng không lớn vẫn duy trì các tuyến bay đến và đi từ Israel dù có giảm tần suất.
Hiện tại đang có khoảng 180 sinh viên Việt Nam sang học tập theo chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp ở các trung tâm của Israel. Con số này ít hơn rất nhiều so với các năm trước.
Có 4 trung tâm đào tạo quốc tế về nông nghiệp lớn thường xuyên hợp tác tiếp nhận sinh viên Việt Nam là Agrostudies ở miền Bắc, Sderod Negev ở miền Trung Nam, Ramat Negev và AICAT ở miền Nam. Tuy nhiên, năm nay, trung tâm Sderot Negev (nằm ngay sát biên giới Dải Gaza) không có sinh viên Việt Nam theo học.
Ước tính cộng đồng người Việt tại Israel bao gồm khoảng 500 người, sinh sống và làm việc tại hầu hết các thành phố lớn ở quốc gia Trung Đông này.
Ngày 12.10, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung đã gửi thư thăm hỏi tình hình sức khỏe, an ninh an toàn của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Israel, đồng thời kêu gọi thành lập các tổ nhóm công tác để hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh chiến tranh, xung đột.
Các tổ nhóm công tác được thành lập tương ứng với từng khu vực mà các hộ gia đình, các em học sinh, sinh viên, tu nghiệp sinh và người lao động đang cư trú. Thông báo thông tin đầu mối của mỗi tổ nhóm công tác về Ban Chỉ đạo ứng phó khẩn cấp của Đại sứ quán để kịp thời phối hợp, trao đổi, cập nhật thông tin, cũng như đưa ra các hướng dẫn cụ thể khi cần thiết.
Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel theo số điện thoại 972-50-818-6116 và +972-52-727-4248, +972-50-994-0889 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại số điện thoại +84 981 84 84 84.
Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân" - bà Phạm Thu Hằng nói.
Theo D.Ngọc (TTXVN/NLĐO)