Một thời bão lửa, trọn đời thương yêu
Những ngày cận kề cuộc gặp mặt cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài nhân kỷ niệm 50 năm ngày chị em được trả tự do (1973 - 2023), Trưởng Ban Liên lạc Cựu nữ tù binh Phú Tài tỉnh Bình Ðịnh Ngô Thị Thanh Trúc cứ bồi hồi, xốn xang với bao kỷ niệm ùa về ngập lòng. Từ thời còn trong trại giam đến giờ, bà Trúc luôn nỗ lực hết sức mình để thắt chặt sự gắn kết và lan tỏa không ngừng tình yêu thương, sẻ chia của những người đồng đội...
Còn hơi thở, còn đấu tranh
77 tuổi, sức khỏe của bà Trúc giảm sút nhiều do hậu quả từ những lần bị tra tấn dã man trong trại giam, chỉ trí nhớ vẫn vẹn nguyên. Bà hầu như không quên gì, bởi giai đoạn 5 năm ấy có những đau khổ cùng cực, nhưng cũng lắm kỷ niệm đáng tự hào đối với bà và nhiều nữ tù binh khác.
Bà Trúc hồi tưởng về quãng thời gian khổ sai nhưng huy hoàng cùng các cựu nữ tù binh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
· Sau khi cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao, tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, các bà, các cô tiếp tục đề xuất nâng cấp, xếp hạng di tích Trại giam Phú Tài thành di tích cấp quốc gia. Vì sao lại có sự đề xuất này?
- Vì chúng tôi muốn lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn cho di tích rất đặc biệt này. Gần 1.000 nữ tù binh từ 30 tỉnh, thành đã bị dồn vào nơi này, chịu đựng rất nhiều hình thức tra tấn, giết chết dần mòn cả thể xác lẫn tinh thần, từng ngày từng giờ.
Nhưng kết quả là gì? Chị em quật cường, tổ chức hơn 20 cuộc đấu tranh với nhiều cách làm, cuối cùng đều giành được thắng lợi, buộc địch phải nhượng bộ. Có thể kể đến một số kết quả như không chào cờ ba que, không chào quân cảnh, không ra ngoài đi làm cho địch như dồn bao cát, đào công sự… vì cho rằng làm như vậy là phản lại cách mạng, giết hại đồng đội của mình...
Trong trại giam đầy hà khắc như thế, tổ chức Đảng rồi Đoàn, các đội Quyết tử, đội Xung kích được thành lập để lãnh đạo, hướng dẫn, tập hợp chị em nhiều tỉnh, thành, khẳng định niềm tin vào Đảng, vào lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
· Được biết, trong số gần 1.000 nữ tù binh khi ấy, chị em người Bình Định chiếm khoảng 1/3...
- Tù nhân là người Bình Định tầm chừng ấy, đến từ nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, cô Nguyễn Thị Quyết (quê ở Hoài Nhơn) là Bí thư Đảng ủy BK19868. Chữ BK viết tắt của từ bất khuất, còn những con số là ngày tháng năm thành lập Đảng ủy (19.8.1968). Nữ tù binh Bình Định đoàn kết cùng nữ tù các tỉnh, thành, thật sự là một gia đình.
Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng bức, ban đêm lạnh buốt. Mỗi phòng khoảng 120 m2, giam 70 - 80 người, có lúc đến gần 150 người. Địch dùng mọi hình thức tra tấn dã man như bỏ đói 10 - 11 ngày liền, bắt thụt dầu cho đến khi kiệt sức dưới trời nắng. Rồi phơi nắng, đổ nước ớt, nước xà phòng vào mũi, miệng; giẫm chân lên bụng, ngực; nhốt vào chuồng cọp dưới trời nắng nóng, dốc ngược nhúng vào thùng nước thuốc DDT làm chị em tuột da mặt, rụng tóc, hỏng mắt, bị đau đầu kinh niên. Rồi bẻ răng, cạo trọc đầu, đánh bằng gậy, ba trắc, dây xích sắt, roi điện…
Đau thì đau nhưng chúng tôi động viên nhau mỗi ngày, rằng còn hơi thở là còn đấu tranh để kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, bảo vệ lợi ích của nhân dân, giữ chặt niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng, quyết không phụ sự kỳ vọng của Bác Hồ khi tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Sắc hoa trên đất lửa
Nhớ về Trại giam Phú Tài, trong ký ức của người bí thư chi bộ, cán bộ đoàn năng nổ, đa tài Ngô Thị Thanh Trúc còn có thật nhiều niềm vui. Tư duy đầy lạc quan của người nữ chiến sĩ cách mạng khi nghĩ về quãng thời gian bị đày ải ấy thật bao dung, kiên cường và đáng nể phục. Trong Trại giam khổ sai, chị em ăn uống thiếu thốn với gạo bị mục, mắm bị thúi, 2 - 3 năm mới được cấp một bộ quần áo đồng phục mới và không có đồ mặc ấm vào mùa đông. Chị em đã sáng tạo, lấy vải vụn vá chằng vá đụp, rút chỉ từ những bao cát để đan thành những chiếc áo ấm.
· Giữa hoàn cảnh ấy, nhiều cựu tù binh Trại giam Phú Tài lại gọi bà là “Trúc đàn”. Biệt danh “Trúc đàn” của bà mang ý nghĩa đặc biệt gì không?
- Trong hàng trăm tiết mục văn nghệ biểu diễn trong Trại giam khi ấy, tôi luôn đảm nhận vai trò nhạc công đàn mandolin, nên tên Trúc thì có nhiều, nhưng nhắc “Trúc đàn” thì đích thị là tôi. Thời ấy, vào những ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm của Đảng, đất nước như 3.2, 2.9, 19.5... là Đảng ủy tổ chức văn nghệ. Mỗi buổi biểu diễn kéo dài vài tiếng với 30 - 40 tiết mục đủ thể loại ca, kịch, múa, tấu hài... do chị Hoàng Hải Anh (khi chưa vào tù là thành viên của Đoàn Văn công Quân khu 5) sáng tác, biểu diễn với đa số diễn viên lần đầu lên sân khấu.
Bà Trúc (cầm đàn) biểu diễn văn nghệ cùng cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài sau khi được trả tự do. Ảnh: NVCC
Riêng tôi được học đàn mandolin từ nhỏ, vào Trại giam được gặp má Bảy ở Cần Thơ biết cách làm đàn mandolin. Tôi nhớ, má Bảy dặn chị em đi nhặt những miếng ván và sợi dây điện, má mày mò ghép ván lại, 8 dây điện má tạo thành 4 cặp dây, thế là có đàn.
Tôi nhớ, chị Nguyễn Thị Lan (ở Khánh Hòa) vốn là thợ may giỏi, phụ trách may áo dài bằng vải mùng tuyn, chân mùng dùng làm vải may quần trắng, các chị em trong Trại giam rút những sợi chỉ từ những chiếc khăn mặt ra thêu lên áo, quần. Ngoài ra, chị em mỗi khi đi đổ rác thường tranh thủ lượm vải vụn, bao cát giấu vào người về đưa chị Lan may quần áo bộ đội, quân cảnh, các đồ múa... Chị em lấy bột gạo ngâm để làm phấn, giã bông tí ngọ có màu đỏ làm son.
· Không chỉ đàn hay, bà còn tham gia các lớp dạy chữ cho nữ tù binh trong Trại giam…
- Trong tù, chị em vẫn sáng tạo không ngừng. Nhận thấy nhiều chị em đi thoát ly chưa rành mặt chữ, thế là chúng tôi tổ chức các lớp dạy học văn hóa. Tôi nhớ, mỗi buổi học, chị em chui vô mùng, cử đội Quyết tử, đội Xung kích canh chừng, báo động khi quân cảnh đến. Bút là lon bia cắt nhỏ hay cọng kẽm, mực là nhọ nồi, giấy là bao xi măng. Viết xong đem giặt rồi phơi, dùng được 4 - 5 lần, giấy nát hết mới bỏ đi. Biết chữ, đọc, hiểu được nên chị em rất hào hứng. Tôi tham gia dạy một số lớp, cô trò hăng hái lắm.
Thương biết bao cho vừa
Được trả tự do năm 27 tuổi, bà Trúc chữa bệnh, đi học rồi làm việc ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn. Về hưu, bà tham gia Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh, làm Trưởng Ban Liên lạc Cựu nữ tù binh Phú Tài tỉnh Bình Định, Phó Trưởng ban thường trực Ban Liên lạc Cựu nữ tù binh Phú Tài toàn quốc.
· Có vẻ như bà không để cho mình thôi bận bịu?
- Tôi làm vậy để có điều kiện gặp gỡ, tiếp tục yêu thương những chị em từng một thời sống chết cùng tôi trong Trại giam. Hãy thử nghĩ đến cảnh, chị này bị đánh thì chị kia nằm đè lên người để chịu đòn thay. Cứ vậy, hết lớp này đến lớp kia, tình cảm y như ruột rà, máu mủ. Nên khi có điều kiện, tôi muốn được tới lui, thăm nom, kết nối lại thật nhiều chị em.
Rồi những tình cảm cứ cuốn hút tôi gắn chặt, nhiều lúc ốm đau dữ quá do hậu quả những vụ tra tấn, tôi phải nghỉ ngơi vài bữa, vậy là thấy nhớ, thấy thương, rồi được các anh động viên, thôi ráng, người trong cuộc luôn nhiều tình cảm, đi gặp gỡ cho chị em vui, làm việc thiết thực với chị em. Thật lòng cũng muốn đi, vậy là lại tiếp tục đến tận bây giờ.
· Trò chuyện với bà, chúng cháu cảm nhận rằng tình cảm, sự quan tâm mà cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài dành cho nhau đã khắc sâu trong tâm trí của bà và những người đồng đội?
- Số nữ cựu tù Trại giam Phú Tài nhỏ tuổi nhất đã 70, 71 tuổi, đa số có bệnh nền. Theo từng lần gặp gỡ, số chị em ngày càng ít đi. Từ hơn 900 chị em được trả tự do, số lượng giảm gần một nửa trong lần này. Những ngày qua, điện thoại của tôi reo liên tục, chủ yếu số chị em ốm đau không đi được gọi hỏi thăm. Nói rồi khóc, bảo là tiếc, không được đến để nhìn thấy nhau, ôm nhau, kể cho nhau nghe nhiều điều.
Chị em vẫn động viên, quan tâm giúp đỡ nhau như vận động xây nhà tình nghĩa, tạo việc làm cho con em, quyên góp tiền giúp người này người nọ… Tình cảm thì đến bao giờ mới dứt được.
· Xin cảm ơn bà! Kính chúc bà luôn dồi dào sức khỏe, hoàn thành mọi tâm nguyện.
NGỌC TÚ (Thực hiện)