Nguyễn Trung Trực - vị anh hùng sống mãi trong lòng dân
Lễ hội Ðình thần Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng trăm năm qua, người dân miền Nam nói chung và riêng với người dân xứ Nẫu Bình Ðịnh luôn tự hào về vị anh hùng dân tộc quê gốc Bình Ðịnh.
“Sinh vi tướng, tử vi thần”
Nhắc đến những bậc sĩ phu yêu nước chống Pháp giữa thế kỷ XIX, không thể không nhắc đến tên tuổi của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (còn có tên Nguyễn Văn Lịch, sinh tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An -nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định -nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”.
Khí phách quật cường cùng sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Trung Trực đã lưu dấu ấn đậm sâu trong ký ức, tâm tưởng của nhân dân miền Nam. Ở đó anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một con người sống đời dân dã nhưng tràn đầy nghĩa khí, lập nên những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, hào khí lưu danh muôn đời. “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” (Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất/ Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần - Huỳnh Mẫn Đạt).
Trong đời sống tâm linh của mình, để tỏ lòng tôn kính tiền nhân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, người Việt thờ phụng những vị anh hùng dân tộc theo tín ngưỡng “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết thành thần). Trong dòng chảy tâm linh này, không riêng gì ở Kiên Giang, mà khắp miền Nam, với niềm kính ngưỡng vô bờ, đồng bào thờ Nguyễn Trung Trực như thờ một vị phúc thần bảo trợ. Dễ dàng khảo chứng điều này tại nhiều tỉnh: Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Long An...
Riêng tại Đình thần Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh vào các ngày từ 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch hằng năm mang tầm quy mô cấp tỉnh, thu hút hàng triệu lượt người dân, du khách tề tựu dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng kính ngưỡng, tri ân vị anh hùng. Lễ hội tại Đình thần Nguyễn Trung Trực từ lâu đã trở thành ngày hội lớn của vùng Nam bộ và được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 2.2.2023.
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lễ giỗ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Bình Định
Tự hào là nguyên quán của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, để bày tỏ tấm lòng tri ân công đức tiền nhân, tỉnh Bình Định khởi công xây dựng và khánh thành công trình Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại khu vực dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) vào tháng 10.2020.
Một năm sau khi Đền thờ khánh thành, ngày 16.10.2021 (tức 11.9 âm lịch năm Tân Sửu), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân kỷ niệm 153 năm ngày mất của ông (1868 - 2021).
Từ lần ấy, theo lệ đến ngày 12.9 âm lịch hằng năm, tỉnh Bình Định lại tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền. Trước ngày giỗ, ngành văn hóa phối hợp huyện Phù Cát tổ chức thêm nhiều hoạt động khác, như đêm võ đài, biểu diễn hát bội, dân ca bài chòi… tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để phục vụ nhân dân, du khách về dự lễ.
Cụ Mai Ngọc Khoác, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, chia sẻ: “Nhân dân Cát Hải rất tự hào khi biết được Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có nguyên quán miền đất võ Bình Định được lưu danh sử sách đến muôn đời sau. Không chỉ ngày giỗ Ngài, ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày Tết, bà con cũng thường xuyên đến Đền thờ thắp hương cầu nguyện Ngài linh ứng phò hộ cho nhân dân”.
Năm nay, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu Sở VH&TT trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân kỷ niệm 155 năm ngày mất của ông (1868 - 2023) vào ngày 12.9 âm lịch (nhằm ngày 26.10.2023).
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Cùng với việc tham mưu kế hoạch tổ chức, chuẩn bị các khâu liên quan để sắp tới tổ chức lễ giỗ, chúng tôi cũng đã vào Kiên Giang tham dự Lễ hội kỷ niệm 155 năm ngày hy sinh Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm nay tổ chức chắc sẽ trang nghiêm, đông vui hơn, vì tỉnh Bình Định đã chính thức gởi lời mời đại diện các tỉnh bạn trong Nam bộ về dự lễ. Qua đó, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết giữa Bình Định và miền Nam, tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: “Cuối năm ngoái, Nhà hát đã dàn dựng mới vở tuồng Khí tiết rạng trời Nam với nội dung kể về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hiện tại, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng diễn viên, nhạc công của Đoàn tuồng Đào Tấn tập luyện lại vở tuồng này, chuẩn bị diễn phục vụ nhân dân tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân dịp giỗ Ngài”.
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: “Việc xây dựng Đền thờ và tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hằng năm nhằm tôn vinh tiền nhân, giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Không chỉ vậy, Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực dần là một điểm đến thu hút đông đảo du khách tham quan khi về Bình Định”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN