Sống mãi khí phách nữ tù binh Trại giam Phú Tài
Chưa từng yếu lòng trước đòn roi tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù, vậy mà tại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày trở về (1973 - 2023) vào ngày 13.10 tại TP Quy Nhơn, những cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài đã rưng rưng nước mắt, ôm nhau thắm thiết, nhắc mãi chuyện ngày xưa. Ðây là một trong vài lần hiếm hoi, những nữ chiến sĩ ngoan cường ngày ấy có dịp hội ngộ tại chính nơi họ đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ đấu tranh kiên trung, bất khuất trong chốn lao tù.
Gần 390 cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài trên cả nước đã tề tựu tại TP Quy Nhơn, cùng thăm lại Di tích lịch sử và Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài, ôn lại chuyện xưa, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh và dự buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày trở về (1973 - 2023), do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức.
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Ngô Tùng Chinh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bìa trái) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ (bìa phải) trao quà cho các cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài. Ảnh: H.P
Bất khuất chốn lao tù
Hoạt động từ tháng 6.1967 - 5.1972, Trại giam nữ tù binh Phú Tài của Mỹ - ngụy đã giam giữ khoảng 1.000 tù binh nữ từ các nơi trong cả nước. Như tên gọi, tù binh tại trại giam này chủ yếu là nữ với tuổi đời còn rất trẻ (17 - 22 tuổi), đa số chưa lập gia đình. Địch bố trí trại gia, thành 4 trại, gồm trại 1 là trại chiêu hồi; trại 2 và 3 giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, lập trường cách mạng, không khai báo, không đầu hàng; trại 4 là khu biệt giam, có đến 6 “chuồng cọp” làm bằng kẽm gai, giam giữ những tù binh mà địch xếp vào hàng ngoan cố, chống cự.
Các cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài khắp cả nước về tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: H.P
Nhắc lại những trận đòn tra tấn của kẻ thù đối với mình và đồng đội, bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Trưởng Ban liên lạc cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài bật khóc, bài phát biểu tại buổi gặp mặt phải ngắt quãng nhiều lần để kìm nén sự xúc động. “Ở trong trại giam, các nữ tù binh phải chịu đựng chế độ giam giữ khắc nghiệt. Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng nực, ban đêm lạnh buốt. Chế độ ăn uống, sinh hoạt rất thiếu thốn. Địch tra khảo, vô hiệu hóa nữ tù binh ngay khi họ vừa đặt chân vào trại giam bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt. Từ dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ cho đến áp dụng các hình thức tra tấn dã man thể xác và khủng bố tinh thần, buộc người tù chịu không nổi, phải vào trại chiêu hồi, phản bội cách mạng”, bà Lý chia sẻ.
Dù dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo như vậy, địch không khuất phục được ý chí kiên cường, bất khuất và tấm lòng sắt son với cách mạng của những nữ chiến sĩ cộng sản. Ngược lại, cứ mỗi giọt máu đổ xuống, tinh thần đấu tranh cách mạng càng dâng cao và niềm tin vào ngày mai chiến thắng càng mãnh liệt. Trong thời gian bị giam cầm tại đây, các nữ tù binh đã tổ chức hơn 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ. Trong các cuộc đấu tranh một mất một còn, một số chị em đã anh dũng hy sinh trước đòn roi tra tấn, bắn giết của chúng và khoảng 600 chị bị thương tật vĩnh viễn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trò chuyện với bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - Trưởng Ban liên lạc cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài. Ảnh: H.P
Cựu nữ tù Trần Thị Hồng Thắm (hiện ở TP Hồ Chí Minh) khẳng khái nói: “Lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng là vũ khí, là sức mạnh để tôi cũng như các bạn tù luôn lạc quan, phấn đấu trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, sống chết trong gang tấc, hiên ngang đương đầu với bộ máy tay sai và cai ngục gian ác để giành thắng lợi cuối cùng”.
50 năm sau ngày được trao trả (tháng 2.1973 theo Hiệp định Paris), từ những cô gái mười tám, đôi mươi, các cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài bây giờ đã “lên lão” với mái đầu bạc phơ, gương mặt đầy nếp nhăn. Dù sức khỏe nhiều người đã yếu, nhưng các bà, các cô vẫn cố gắng để về dự buổi gặp mặt.
Bà Trần Thị Duy Vinh (hiện ở TP Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Biết tin có buổi gặp mặt này, chúng tôi vui mừng và xúc động lắm. Nhiều ngày qua, đêm nào tôi cũng thao thức, nóng lòng gặp lại đồng đội năm xưa để nhắc lại bao kỷ niệm buồn vui, sống chết có nhau nơi lao tù”.
Cựu nữ tù binh Phú Tài dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Ảnh: H.P
Tri ân sâu sắc
Ghi nhận tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên trung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các nữ tù binh Trại giam Phú Tài. Đặc biệt, ngày 1.9.2020, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài, tỉnh Bình Định. Đồng thời, năm 2002, Trại giam tù binh Phú Tài đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Di tích và Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài cũng được tỉnh xây dựng và hoàn thành vào tháng 12.2016.
Niềm vui ngày gặp lại của các cựu nữ tù binh Phú Tài. Ảnh: H.P
Phát biểu tại buổi lễ gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày trở về, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
“Theo năm tháng và quy luật của tạo hóa, các cựu nữ tù có người mất, người còn. Người còn thì nay tuổi đã cao lại phải đối mặt với những thương tích, bệnh tật của những năm tháng bị địch tra tấn, đọa đày, vì vậy cuộc gặp mặt hôm nay còn thiếu vắng rất nhiều cô, nhiều chị. Lãnh đạo tỉnh Bình Định xin chia sẻ những khó khăn đó với các cô, các chị không đến dự được buổi gặp mặt này. Xin kính chúc các cô, các chị sống vui, sống khỏe, chiến thắng bệnh tật; tiếp tục là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có những đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, để quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”, đồng chí Lê Kim Toàn chia sẻ.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại, nghĩa tình để tiếp nối con đường, mục tiêu, lý tưởng cao cả của các thế hệ cha anh, của các cô, các chị. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa mà Đảng và nhà nước đã đề ra, trong đó có chế độ, chính sách liên quan đến những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
* * *
Sau cuộc gặp gỡ, những cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài sẽ trở về với cuộc sống thường ngày. Giờ phút tạm biệt, họ dành cho nhau cái ôm thắm thiết. Họ dặn dò cùng giữ gìn sức khỏe, tinh thần lạc quan, giữ mối liên lạc để có thêm nhiều lần gặp gỡ. Và, dù trong hoàn cảnh nào, phải luôn giữ khí phách, phẩm chất, đạo đức cách mạng của những nữ tù binh Trại giam Phú Tài năm xưa.
HỒNG PHÚC