Chống ngập cho Quy Nhơn là nhiệm vụ cấp bách
Khẳng định công tác chống ngập cho Quy Nhơn là nhiệm vụ cấp bách, Chủ tịch UBND thành phố Ngô Hoàng Nam cho biết, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này trước mùa mưa 2023 và cả trong nhiều năm kế tiếp.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam
*Chỉ riêng 2 cơn mưa trong tháng 9.2023 đã gây ngập cục bộ một số khu vực tại TP Quy Nhơn, trong khi chỉ vừa bắt đầu mùa mưa. Thành phố đánh giá mức độ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
- TP Quy Nhơn là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, quá trình đô thị hóa quá nhanh nên có một số bất cập về hạ tầng. Mặt khác, hiện nay, khí hậu có xu hướng diễn biến cực đoan. Trên địa bàn Quy Nhơn thường xuyên diễn ra nhiều cơn mưa lớn kéo dài, lượng mưa vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước thành phố.
Thành phố đã rà soát, xác định các khu vực thường xuyên ngập úng như: Khu phố 1, 2, 3 phường Ghềnh Ráng; khu vực Hóc Bà Bếp; khu vực ngã ba Ông Thọ; khu vực chợ Đầm, chợ Xóm Tiêu, chợ Bắc Hà Thanh; khu vực trước Tượng đài Chiến Thắng; khu vực hẻm 223 Tây Sơn; các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tất Thành, Thanh Niên, Lý Thái Tổ, Tô Hiệu, Diên Hồng…
Đánh giá về mức độ ngập cho thấy xảy ra trong thời gian ngắn, thường là ngập khoảng 30 - 60 phút, sau những cơn mưa lớn kéo dài. Nước tạm thời không thoát kịp dẫn đến ngập úng cục bộ tại một vài vị trí, không xảy ra tình trạng ngập lụt trong khu vực nội thị.
* Có lẽ cũng phải nhìn nhận rằng nguyên nhân của tình trạng ngập ở đô thị lớn nhất tỉnh không phải chỉ vì “quá trình đô thị hóa quá nhanh” và “khí hậu có xu hướng diễn biến cực đoan”…
- Chúng tôi xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập trên địa bàn thành phố. Hệ thống thoát nước hiện trạng tại một số khu vực, tuyến phố được đầu tư trong nhiều giai đoạn khác nhau, chưa có sự đồng bộ tuyệt đối; tiết diện một số tuyến thoát nước không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa, quy mô dân cư gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay. Một số tuyến mương, cống thoát nước bị bồi lấp, người dân tự ý bít các miệng hố thu nước mặt đường…
Hơn nữa công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước một số khu vực chưa kịp thời, thường xuyên, nhất là công tác kiểm tra, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước trước các mùa mưa, bão. Ngoài ra, hiện tượng triều cường kết hợp với mưa lớn, dẫn đến tình trạng ngập lụt tại một số khu vực như chợ Đầm, Ghềnh Ráng…
TP Quy Nhơn đã hoàn thành dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại Ghềnh Ráng. Ảnh: M.H
* Vậy thành phố đã có giải pháp nào để xử lý khẩn cấp các điểm ngập úng trước mùa mưa năm nay?
- Để giải quyết bài toán chống ngập cần thực hiện song song cả hai giải pháp trước mắt và lâu dài. Một số điểm ngập úng nêu trên, UBND TP Quy Nhơn chủ động giao các cơ quan chuyên môn rà soát, có biện pháp xử lý.
Ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã ban hành danh mục chi tiết nội dung công việc thuộc dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn tại Quyết định số 1667/QĐ-UBND, với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố tổ chức nạo vét, cải tạo, sửa chữa hệ thống các tuyến thoát nước, đến nay đã cơ bản hoàn thiện nhiều hạng mục công trình và tổ chức nạo vét được 20/31 tuyến, các tuyến còn lại khẩn trương hoàn thành trong tháng 10.
Cùng với đó, thành phố tăng cường bổ sung hố ga, hố thu nước, các đoạn cống thoát nước tại những vị trí ngập úng cục bộ, vị trí trũng thấp và lượng nước tập trung về lớn.
* Về lâu dài, liệu có khắc phục triệt để tình trạng ngập trên địa bàn TP Quy Nhơn không, thưa ông?
- UBND tỉnh đã giao cho thành phố làm chủ đầu tư dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại phường Ghềnh Ráng, tổng vốn 45 tỷ đồng, hiện đã thi công hoàn thành. Qua theo dõi trong các cơn mưa lớn từ đầu tháng 9.2023, không xảy ra tình trạng ngập úng tại khu phố 3, 4, phường Ghềnh Ráng như hai năm 2021, 2022.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng trong việc xây dựng đề án nghiên cứu giải pháp chống ngập úng cho khu vực 2, 3, 4, phường Ghềnh Ráng. Đến nay, tình trạng ngập lụt tại khu vực Ghềnh Ráng đã cơ bản được khắc phục.
Thành phố cũng đang được tỉnh đầu tư dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, do Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2021 - 2024. Dự án mở rộng và nạo vét đáy sông, xây dựng đê, kè gia cố bờ sông, kết hợp làm đường giao thông trên tuyến; mở rộng khẩu độ cầu chợ Dinh trên tuyến QL 19 cũ; xây dựng hệ thống thoát nước mặt. Dự án hoàn thành sẽ tiêu thoát lũ cho sông Dinh, giải quyết ùn tắc lũ, ngập lụt, trực tiếp bảo vệ hàng nghìn hộ dân ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú…
Về phía thành phố, chúng tôi đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình để phục vụ tiêu thoát nước trong mùa mưa, như: Cải tạo, nạo vét các tuyến mương Bông Hồng, mương Bùi Điền, mương thoát nước dọc đường Lê Công Miễn, tuyến thoát nước đường dốc Quy Hòa; xây dựng mới một lối thoát nước tại vị trí trũng thấp nhất nằm phía Đông Nam Tượng đài Chiến Thắng; cải tạo, nâng cấp, xử lý ngập úng xã Nhơn Lý… Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dịch vụ công ích thường xuyên theo dõi việc tiêu thoát nước tại các khu vực, tuyến đường đã nói ở trên trong mùa mưa, bão; kịp thời tháo dỡ các vật cản như rác thải, lá cây... để đảm bảo khả năng thu và thoát nước.
Với nhiều giải pháp đang được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc, TP Quy Nhơn sẽ hạn chế tình trạng ngập úng trong thời gian đến.
* Xin cảm ơn ông!
Gia hạn để đối chứng dữ liệu lượng mưa chống ngập tại Ghềnh Ráng
Liên quan đến đề án nghiên cứu giải pháp chống ngập úng cho khu phố 2, 3, 4, phường Ghềnh Ráng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hữu Thiện cho hay, Sở đã báo cáo UBND tỉnh cho gia hạn thời gian trong tháng 10 này để kiểm tra và đối chứng dữ liệu, do lượng mưa mỗi năm mỗi khác. Hiện Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh đề án này, đảm bảo tính toán chính xác, tin cậy, phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
MAI HOÀNG (Thực hiện)