Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Bình Ðịnh: Khẳng định địa văn hóa Bình Ðịnh
So với các địa phương khác trong cùng khu vực, Bình Ðịnh là vùng đất có ý nghĩa chiến lược trong hành trình Nam tiến của tiền nhân, là mảnh đất “tồn sinh” và “cộng hưởng” của dòng văn hóa chủ lưu Việt - Chăm - Hoa. Vì vậy, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa Việt, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố mang tính độc đáo, riêng có và khu biệt của Bình Ðịnh.
Việc tái hiện việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu vì thế cần phải có một cái nhìn tổng quan, logic và có tính kế thừa, liên thông đối với những công trình kiến trúc, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hoạt động văn hóa trên địa bàn trước khi xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Trong quá trình triển khai, nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề này sẽ góp phần định hình được vị thế địa văn hóa của tỉnh nhà trên bản đồ văn hóa và du lịch hiện nay ở khu vực và quốc gia.
1. Để có thể nhanh chóng phát huy các giá trị văn hóa vào thực tế đời sống, trong đó có cả các hoạt động kinh tế, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống các giá trị văn hóa, di sản phải tuân thủ theo một chiến lược khoa học, thiết thực và phù hợp với đặc trưng văn hóa, đặc điểm vật chất, phi vật chất và khả năng lưu trữ của di sản. Vì thế, hệ thống đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy khi xây dựng cần dựa trên những ý kiến tham mưu, kết luận khoa học, đánh giá khách quan và có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hệ thống đề tài KH&CN các di sản văn hóa của Bình Định được đề xuất nghiên cứu, ngay từ đầu cần có tính ứng dụng, tư vấn giải pháp và hướng đến việc cụ thể hóa các vấn đề được đặt ra.
Hiện nay, nhiều công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của tỉnh nhà đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian. Vì lẽ đó, ta sẽ rất khó khăn trong việc tìm về các giá trị nguyên bản cổ xưa khi tiếp cận với các công trình kiến trúc này như hệ thống tháp Chăm, thành Hoàng Đế, hệ thống cảng thành - hổ cơ, cảng thị Nước Mặn, lịch sử kiến tạo chữ Quốc ngữ cũng như các lễ hội tiêu biểu ở Bình Định… Vì vậy giải pháp thiết kế, tạo dựng không gian 3D các công trình, di sản văn hóa sẽ góp phần quan trọng trong quá trình giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ngay cả khi di sản đó chỉ còn trong tiềm thức. Cách làm này còn tăng được tính trải nghiệm, mới lạ, tạo nên nét riêng biệt cho di tích, hứa hẹn thu hút lượt lớn những người quan tâm.
Để giới thiệu và quảng bá cho du khách có cái nhìn bao quát hơn, hiểu rõ hơn về kiến trúc di tích, ta có thể sử dụng trình mô phỏng để mô phỏng di tích đó và quảng bá nó trên các nền tảng mạng xã hội để khách du lịch có thể dễ dàng tìm hiểu trước khi quyết định tham quan.
Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là 1 trong 8 cụm tháp Chăm còn lại ở Bình Định, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
2. Bảo tồn di sản văn hóa hiệu quả và khoa học không phải chỉ giữ gìn, bảo tồn, bảo tàng di sản mà còn phải giới thiệu di sản đó đến với cộng đồng, cuộc sống đương đại. Muốn làm được điều ấy, các cơ quan quản lý cần phải chủ động, sáng tạo “làm mới” di sản, nâng cao khả năng kết nối, tương tác của di sản với công chúng. Bên cạnh việc phục nguyên không gian văn hóa của di sản, chúng ta cần thúc đẩy và phát huy những giá trị đó sao cho công chúng hôm nay có thể có nhiều cách tiếp cận phù hợp, tương tác và tự họ sẽ khiến những giá trị tốt đẹp ấy lan tỏa đến nhiều cộng đồng phái sinh kế tiếp. Khi hâm mộ đến một độ nào đó, công chúng sẽ phát sinh nhu cầu đến tận nơi để thực chứng.
Vì vậy việc đưa di sản đến với cộng đồng các bạn trẻ và khách du lịch là một ưu tiên. Tuy nhiên, hiện không ít hướng dẫn viên không đầu tư tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương đủ mức cần thiết, do đó khi thuyết minh, hướng dẫn cho du khách, họ thường không thể làm rõ nhiều vấn đề có tính riêng có, độc đáo của vùng địa văn hóa Bình Định, thậm chí một số trường hợp cá biệt còn làm sai lệch.
Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình du lịch, hướng dẫn viên nên sử dụng các thông tin tri thức đã được chuẩn hóa, hoặc làm giàu tri thức thuyết minh do mình tự cập nhật hoặc do cơ quan có chức năng liên quan tổ chức bài bản. Truyền tải tốt hơn những thông điệp tổ tiên để lại, sẽ giúp cho du khách hiểu thêm, yêu thêm và mong muốn quay trở lại Bình Định.
Đưa di sản văn hóa đến với nhà trường và cộng đồng dân cư cũng là một vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, việc thực hiện chương trình giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, việc giới thiệu và tổ chức quảng bá, tìm hiểu các di sản tiêu biểu của địa phương đến các bạn học sinh đã và đang tạo được hiệu quả lan tỏa rất rốt. Việc làm này cần được tổ chức thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thuyết trình, cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa quê hương.
Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di sản, các địa phương cần có các chương trình sinh hoạt công dân, giới thiệu, khẳng định và nêu bật những ưu lợi thế của di sản văn hóa địa phương. Cùng với niềm tự hào là trách nhiệm chung tay bảo vệ, hạn chế sự xâm hại di sản văn hóa, là đóng góp lớn nhất mà cộng đồng xã hội đã mang lại chúng ta - những người làm công tác văn hóa hiện nay.
TS VÕ MINH HẢI
(Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường ĐH Quy Nhơn)