Mùa hái măng rừng ở An Toàn
Khoảng 1 tháng trở lại đây, mưa đầu mùa đã xuất hiện ở xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, báo hiệu mùa hái măng rừng đã về.
Vừa luộc xong mẻ măng mới hái về, chị Đinh Thị Dép, thôn 3, xã An Toàn, tâm sự: Hôm giờ hay có mưa vào chiều tối nên măng rừng mọc nhiều, mình tranh thủ buổi sáng đi thả bò lên rừng sớm rồi mang gùi đi bẻ măng luôn. Trung bình một ngày cũng được từ 20 - 30 kg, hiện tại măng tươi luộc chín được thương lái mua từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng kiếm được từ 300 nghìn - 450 nghìn đồng.
Chị Đinh Thị Dép (thôn 3) và rổ măng rừng mới luộc xong. Ảnh: D.T.D
Ông Đinh Văn Téc, ở thôn 2, chia sẻ: Nhiều người cứ nghĩ măng mọc sẵn trên đất, chỉ việc bẻ mang về. Nhưng thật ra “hái măng” không hề đơn giản. Chui vào bụi măng người hái phải chịu gai cào, muỗi vắt đốt. Riêng việc bóc vỏ, lông măng cũng cứng như gai đâm vào tay khiến bàn tay người lấy măng chai sần, nhựa măng thấm vào còn làm đau rát.
Công việc vất vả nhưng với nhiều người dân ở vùng cao An Toàn nói riêng và huyện An Lão đã thành bình thường, bởi đây không chỉ là nguồn thực phẩm dự trữ trong mùa mưa lũ mà còn là hàng hóa mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Măng rừng là lộc của rừng nên muốn mùa sau lại có măng để đào, để hái, những người đi hái măng bảo nhau để lại một số cây non để măng lại mọc dày thành rừng.
Bà Đinh Thị Lanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn, cho biết: Đang vào mùa nên có rất nhiều người vào rừng hái măng. Để không xâm phạm rừng phòng hộ, Hội thường xuyên tuyên truyền bà con trong quá trình lấy măng không được gây tổn hại đến cây rừng, các loại động, thực vật khác. Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu một số giống măng có giá trị kinh tế cao, vận động bà con trồng thêm măng tại những vùng rừng đã nhận khoán, coi đây là sinh kế bền vững dưới tán rừng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
DIỆP THỊ DIỆU