Nhà hát tuồng Đào Tấn:
Phục hồi và nâng cao vở “Chung Vô Diệm”
Sau thời gian đầu tư dàn dựng, Nhà hát tuồng Ðào Tấn vừa biểu diễn báo cáo tổng duyệt vở “Chung Vô Diệm”. Dựa vào tuồng tích xưa, tác giả kịch bản, đạo diễn cùng tập thể các diễn viên đã có sự đồng điệu kết nối, mang lại sức cuốn hút cho vở diễn.
Cách đây hơn 20 năm, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã giao nghệ sĩ Hoàng Việt viết kịch bản “Chung Vô Diệm” để dàn dựng, biểu diễn. Hoàng Việt kể lại: “Tuồng “Chung Vô Diệm” lưu truyền trong dân gian theo kiểu kịch bản diễn cương có đến 36 hồi, tương ứng với 36 nạn của Chung Vô Diệm, mỗi hồi là một đêm diễn. Mẹ tôi (nghệ sĩ Hồng Thu - NV) từng là diễn viên của đoàn tuồng không chuyên, bà vào vai Chung Vô Diệm rất thành công. Thậm chí khi mang thai tôi đến tháng thứ 8 bà vẫn lên sân khấu diễn vai này do công chúng quá đỗi hâm mộ. Có lần bà đã diễn liên tục 30 hồi trong 30 đêm… Theo yêu cầu của lãnh đạo Nhà hát, căn cứ vào cốt truyện “Chung Vô Diệm” và lời kể của mẹ, tôi cô đọng, chọn những hồi có nội dung hay để viết thành kịch bản”.
Tưởng nhớ đến công lao truyền dạy nghệ thuật tuồng của cha, Hoàng Việt để tên hai cha con là đồng tác giả kịch bản. Kịch bản tuồng “Chung Vô Diệm” của NSƯT Hoàng Chinh - Hoàng Việt gồm 3 hồi: “Chung Vô Diệm phá Sở Trang lầu”, “Chung Vô Diệm đại chiến Lỗ Lâm” và “Chung Vô Diệm cốt nhục đoàn viên”. Vở diễn do Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng năm đó được khán giả yêu thích và đạt doanh thu cao.
Sau gần 20 năm không biểu diễn, Nhà hát tuồng Đào Tấn quyết định phục hồi, nâng cao vở “Chung Vô Diệm” làm tiết mục biểu diễn trong kế hoạch năm 2013. Theo yêu cầu, tác giả Hoàng Việt tiếp tục rút gọn từ 3 hồi trong kịch bản cũ còn 1 hồi, nhưng vẫn đảm bảo tính xuyên suốt về nội dung tư tưởng.
Chung Vô Diệm là một nhân vật có thật trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, là vương hậu của Tề Tuyên Vương, vua nước Tề - một trong Thất hùng thời Chiến Quốc. Trong kịch bản tuồng, Chung Vô Diệm là một tiên nữ bị đày xuống hạ giới làm người với dung nhan cực kỳ xấu xí. Về sau nàng hiệp duyên và với tài năng của mình đã giúp Tề Tuyên Vương chấn hưng nước Tề, biến nước Tề thành một cường quốc. Chung Vô Diệm phải trải qua 36 kiếp nạn trong 36 năm. Đoạn kết vở diễn cũng là lúc Chung Vô Diệm thoát được kiếp nạn cuối cùng, khi được con trai lưu lạc trở về cứu khỏi âm hồn trận của yêu đạo, gia đình cốt nhục được đoàn viên.
Vở diễn chủ yếu mang tính tự sự, không có nhiều kịch tính. Vì vậy, đòi hỏi giữa tác giả, đạo diễn, diễn viên phải có đồng điệu để khai thác tối đa những điểm nhấn. Đạo diễn, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, cho biết: “Vở diễn Chung Vô Diệm được phục dựng hướng đến đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao của nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp. Vì vậy, khi dàn dựng tôi đã tìm tòi, khai khác những mảng trò diễn xuất để giúp diễn viên phát huy được kỹ thuật biểu diễn và sự sáng tạo”.
Sự góp mặt của dàn diễn viên trụ cột cùng một số diễn viên trẻ đã đem đến thành công cho vở diễn. NSND Minh Ngọc (vai Ngô Khởi), NSND Xuân Hợi (vai Tề Tuyên Vương), NSƯT Tuyết Mai (vai Chung Vô Diệm lúc còn mặt dạ xoa), NSƯT Thanh Sử (Chung Vô Diệm lúc đã trở lại xinh đẹp), nghệ sĩ Kim Thành (vai Điền Đơn), nghệ sĩ Thanh Thủy (công chúa Lỗ Lâm)… đều lột tả được chiều sâu của nhân vật.
Ông Nguyễn Văn Minh, 65 tuổi, một khán giả ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, nhận xét: “Hồi trẻ, tôi rất thích vở “Chung Vô Diệm” do các nghệ sĩ tuồng không chuyên biểu diễn trong nhiều đêm liền. Trong vở diễn được rút gọn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, những đoạn hay vẫn được giữ lại. Các diễn viên rất giỏi nghề và có sự sáng tạo riêng”.
HOÀI THU