Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Sáng 16.10, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN), với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.
Đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài tham dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Hội nghị diễn ra sau cuộc gặp lần trước của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN chưa đầy 6 tháng (tháng 4.2023).
Báo cáo tại hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN nhấn mạnh thêm thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khu vực ĐTNN; thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà ĐTNN.
Khu vực ĐTNN được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển bình đẳng; được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Theo Thứ trưởng, bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, dịch chuyển dòng vốn về các khu vực, các nước ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội. Đứng trước những vấn đề toàn cầu và thách thức chưa từng gặp phải, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ứng xử kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả với chính sách tài khóa (gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất), chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản; hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn…. Đồng thời, xác định điểm thống nhất cốt lõi là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng đồng nhà đầu tư. Đây là những tiền đề căn bản để Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD. Vốn ĐTNN đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9-2023, đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38.300 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI. Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sáng 16.10. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu rõ, Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại như: quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.
“Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, nhà ĐTNN. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chỉ có sự phối hợp mới đem lại thành thành công. Và thành công này sẽ chia sẻ cho cả doanh nghiệp và Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại hội nghị, Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ KH-ĐT đề nghị phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Thành công của một số địa phương trong việc thu hút được các dự án FDI quy mô lớn như Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An, Bắc Ninh… là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của giải pháp này.
Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà ĐTNN, Bộ KH-ĐT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác ĐTNN đến năm 2030, trong đó, định hướng hợp tác ĐTNN của Việt Nam trong giai đoạn tới đã có những thay đổi lớn, có những bước đi vững chắc trong tương lai so với giai đoạn trước đây. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự thịnh vượng chung cho hai bên.
Bộ KH-ĐT cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ĐTNN nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.
Theo PHAN THẢO (SGGPO)