Mất an toàn giao thông từ trâu bò thả rông trên đường
Từ các tuyến quốc lộ cho đến các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh, tình trạng thả rông trâu bò diễn ra khá phổ biến, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc cho người tham gia giao thông.
Nguy hiểm khôn lường
Cuối tháng 5.2023, trên đường chở hàng về bán, chị Nguyễn Thị Thúy (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) không may va phải con nghé bất ngờ chạy sang đường. Hậu quả, chị Thúy bị gãy xương đùi và xương bàn tay, hàng hóa bị hư hỏng gần hết. Thời điểm đó, người dân xung quanh hỗ trợ đưa chị đi cấp cứu, nhưng chủ nuôi lại không hề biết. Được biết, đàn trâu được chăn thả tự do ở đồng ruộng gần đấy, không có ai chăn dắt.
“Nhìn thấy đàn trâu chăn thả gần đường, tôi đã giảm tốc độ. Không ngờ lại có con nghé bất ngờ chạy ra đường khiến tôi trở tay không kịp. Vụ tai nạn khiến tôi phải bỏ công việc một thời gian”, chị Thúy kể.
Cũng đầu tháng 5.2023, trong lúc lưu thông trên QL 1 đoạn qua huyện Phù Cát, chị Đặng Thị An (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) gặp tai nạn do va phải đàn bò rượt đuổi nhau qua đường. Vì quá bất ngờ, không kịp xử lý tình huống, chị An bị ngã ra đường, bị một con bò hoảng loạn giẫm lên chân. Hậu quả, chị bị xây xát khắp người và gãy xương đòn, vỡ xương bàn chân. “Mặc dù chủ nuôi đã chủ động hỗ trợ đưa tôi đến bệnh viện và đền bù thiệt hại, nhưng sức khỏe của tôi giảm sút nhiều sau vụ tai nạn. Tôi không thể làm những việc nặng nhọc, những cơn đau nhức khi trái gió trở trời khiến tôi rất mệt mỏi”, chị An nói.
Không chỉ gây nên những tai nạn đáng tiếc, chăn thả trâu bò còn gây cản trở giao thông, khiến người tham gia giao thông bức xúc. Anh Dương Văn Lĩnh (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) kể về sự cố nhớ đời. Đầu năm 2023, trong lúc chở người nhà đi cấp cứu, anh vô tình gặp phải đàn trâu rất đông chiếm hết lối đi, không thể vượt lên. Hết cách, anh đành phải xuống xe xua đuổi, nhờ thêm người đến giúp đỡ. “Cũng may là tôi đã đưa được người nhà đến bệnh viện kịp thời. Rơi vào những trường hợp oái ăm như thế này, chỉ biết trách chủ nuôi”, anh Lĩnh nói.
Là tài xế đưa đón khách du lịch, anh M.C.T. (ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) cho biết: “Đoạn đường đi ngang qua xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) thường xuất hiện đàn bò không chủ. Chúng ngang nhiên ra đường ăn cỏ trong các dải phân cách, không hề có người chăn dắt. Có lần xe chúng tôi xém va phải, khiến du khách một phen hú hồn”.
Đàn bò đi nghênh ngang trên đường nông thôn xã Phước Quang (huyện Tuy Phước). Ảnh: X.Q
Cần siết chặt quản lý
Khi xảy ra va chạm với người tham gia giao thông, chủ nuôi cũng chịu những tổn thất nếu trâu bò chấn thương hoặc phải đền bù cho người bị nạn. Thế nhưng, nhiều chủ nuôi vẫn thản nhiên thả trâu bò trên đường. Khi có xe lưu thông, phải nhấn còi thì chủ nuôi mới lùa trâu, bò vào vệ đường.
Ông Nguyễn Dư Thiện (ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) cho biết: “Ban đêm cũng có trâu bò thả rông, rất nguy hiểm cho người đi đường. Đó là trường hợp chủ nuôi thả đồng cả ngày, nhưng buộc dây không chặt nên trâu bò đi lạc”. Anh L.A.V. (cũng ở xã Phước Mỹ) cho hay, đôi lúc chủ nuôi khi chăn thả chỉ mải mê bấm điện thoại mà không để ý đến vật nuôi, người đi đường phải xuống xe nhắc nhở họ mới lùa dắt vật nuôi đi chỗ khác.
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn xảy ra do va chạm với trâu bò khiến nhiều người dân bức xúc. Dọc các quốc lộ và đường giao thông nông thôn có các biển báo cấm chăn thả trâu bò, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, vì ý thức của chủ nuôi rất kém. Đề nghị các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp chủ nuôi vi phạm.
XUÂN QUỲNH