Lan tỏa tình yêu bài chòi, hát bội
Cuối tháng 8.2023, UBND xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) thành lập, tổ chức ra mắt CLB Bài chòi - Hát bội, quy tụ 24 nghệ nhân, những người yêu thích nghệ thuật truyền thống tham gia, nhằm tạo sân chơi văn hóa bổ ích, thúc đẩy phong trào nghệ thuật quần chúng ở địa phương phát triển.
Chúng tôi về xã Ân Hảo Tây đúng dịp những nghệ nhân trong CLB Bài chòi - Hát bội xã Ân Hảo Tây tụ họp tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ. Dù không đầy đủ thành viên do một số người bận việc nhà, nhưng không vì thế mà buổi sinh hoạt giảm phần đầm ấm, vui vẻ.
Rót ly trà nóng mời khách, nghệ nhân Nguyễn Văn Trí (77 tuổi), Chủ nhiệm CLB tâm tình: “Thành viên CLB phần lớn là những nghệ nhân lớn tuổi, người trẻ nhất 37 tuổi; đặc biệt có nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hào (83 tuổi) nặng lòng với hát bội, bài chòi cổ làm đầu tàu dẫn dắt, truyền dạy cho mọi người, góp phần bảo tồn và lan tỏa tình yêu di sản văn hóa trong cộng đồng”.
Tuy mới ra mắt từ tháng 8.2023 nhưng bởi hầu hết thành viên CLB vốn thuộc 2 đoàn dân ca bài chòi và đoàn hát bội của xã Ân Hảo (nay tách ra xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây) trong giai đoạn năm 1975 - 1982, nay vẫn là hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương và muốn tiếp tục thắp sáng tình yêu di sản hát bội, bài chòi, nên mọi việc có nhiều thuận lợi.
CLB Bài chòi - Hát bội xã Ân Hảo Tây góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hào chia sẻ: “Trọn cả cuộc đời tôi gắn bó và thực hành, truyền dạy hát bội, bài chòi lớp, bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn cho nhiều lớp thế hệ con cháu. Dù tuổi cao, nhưng còn sức là tôi vẫn truyền dạy để con cháu tiếp nối lưu truyền di sản của cha ông. Tôi vui mừng vì lãnh đạo xã rất quan tâm hỗ trợ cho CLB hoạt động, tiếp thêm động lực cho các thành viên lan tỏa bài chòi, hát bội đến với công chúng mộ điệu”.
Vốn được học âm nhạc hát bội bài bản từ các nghệ sĩ ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), nghệ nhân Nguyễn Thanh Phước (68 tuổi), thành viên CLB, bày tỏ: “Có nền tảng kiến thức về hát bội, tôi tiếp tục học thêm về dân ca bài chòi, bài chòi cổ để sáng tác và dàn dựng kịch bản sân khấu phục vụ các hội diễn văn nghệ ở địa phương. CLB hiện có nhiều nhạc công lành nghề, nên chúng tôi có nhiều thuận lợi trong biểu diễn bài chòi, hát bội, hòa tấu nhạc cụ dân tộc để phục vụ khán giả”.
CLB Bài chòi - Hát bội xã Ân Hảo Tây đã góp phần làm sinh động thêm đời sống văn hóa văn nghệ địa phương. Nghệ nhân Đào Thị Thức, 65 tuổi, ở xã Ân Hảo Đông, thành viên CLB, bộc bạch: “Bài chòi, hát bội đã ngấm vào máu tôi lúc trẻ tham gia biểu diễn trong 2 đoàn hát bội, bài chòi xã, nên khi xã thành lập CLB là tôi tham gia liền. Ở nhà có cơ sở làm bún cũng rất bận rộn, nhưng cứ nghĩ được phục vụ bà con là tôi vui và con cháu cũng rất ủng hộ tôi tham gia sinh hoạt, biểu diễn”.
Trong số thành viên CLB, có thầy Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Hảo Tây và thầy Võ Xuân Vũ, giáo viên âm nhạc của trường đã nhiệt tình ủng hộ đưa hát bội, bài chòi vào trường dạy cho học sinh. Thầy Tuấn tâm tình: “Trước đây, trường cũng nhờ các cô chú nghệ nhân đến trường dạy các em biết hát bội các trích đoạn Trần Bình Trọng, Bùi Thị Xuân, Quang Trung tiến quân ra Bắc… Sắp tới, trường sẽ thành lập CLB bài chòi, hát bội và duy trì sinh hoạt để các nghệ nhân CLB đến trường truyền dạy bài chòi, hát bội cho học sinh”.
Anh Nguyễn Thanh Ân, công chức Văn hóa - Xã hội xã Ân Hảo Tây, cho biết: “Xã đang trình lãnh đạo huyện xin hỗ trợ kinh phí làm 9 chòi để tổ chức Hội bài chòi dân gian trong dịp lễ, Tết, giao lưu văn nghệ của địa phương nhằm lan tỏa di sản bài chòi đến gần hơn với công chúng mọi lứa tuổi”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN