Tiếp sức sinh viên nghèo hiếu học
Ngày 17.8, 45 sinh viên (SV) quê Bình Định hiện đang học tại các trường đại học trong cả nước đã được tiếp sức đến trường với học bổng BIDV. Đây đã là lần thứ 4 Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bình Định trao học bổng này, giúp SV nghèo hiếu học bớt khó khăn trước năm học mới.
Bớt phần chông gai
Ngày 16.8, Nguyễn Thị Nương (SV năm 4, ngành Y đa khoa Trường ĐH Y Dược Huế) về quê ở Phù Cát để sáng sớm hôm sau kịp đón xe buýt vào Quy Nhơn nhận học bổng. Kỳ nghỉ hè của Nương đã bắt đầu từ khá lâu, nhưng em ở lại Huế làm gia sư cho một học sinh lớp 9 với mức lương 1,2 triệu đồng/ tháng để trang trải chi phí học tập. Lần đầu tiên được nhận học bổng BIDV, Nương không khỏi hồi hộp: “Lúc nghe tên mình vang lên, tim em cứ đập thình thịch. Em không biết diễn tả cảm xúc thế nào”.
Nương tâm sự, với nhiều người, 2 triệu đồng “chẳng là gì”, nhưng với em lại rất ý nghĩa. Ba của Nương thường xuyên đau ốm, hơn 1 năm trước mẹ lại phải trải qua cuộc đại phẫu thắt túi phình động mạch não. Cuộc sống đã khó lại càng ngặt, nhưng không vì thế mà Nương nản lòng. 5 học kỳ ở bậc Đại học, Nương đều đạt học lực giỏi, rèn luyện tốt và nhận được giấy khen của trường, riêng học kì I năm học đầu tiên đạt 8,83 điểm và học kỳ I năm hai đạt 8,69 điểm.
Nương bật khóc khi chia sẻ, gia đình chính là động lực để học tập tốt: “Em chọn ngành Y vốn khó nhằn, một phần là vì sở thích, nhưng quan trọng hơn là sự chi phối từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và sức khỏe của bố mẹ không được tốt”.
Cũng lần đầu tiên được nhận học bổng BIDV như Nương là Trần Hoàng Luân, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Chàng SV năm 2 khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Nhà khó khăn, nên chỉ có mình Luân được tạo nhiều điều kiện học hành nhất. Năm nhất, Luân có điểm trung bình 8,8; học kỳ 1 của năm hai cũng không kém, với 8,79. Bà Ma Thị Huỳnh Thao bảo, có con học giỏi thế, người mẹ nào chẳng tự hào. “Nó học giỏi, có chữ có nghĩa lận lưng, đỡ cực nhọc như cha mẹ”, bà Thao rưng rưng nói. Giờ, bà Thao kiếm sống bằng sạp báo nhỏ, người chồng sau tháng ngày rong ruổi sau vô-lăng cũng chỉ quẩn quanh ở nhà. Mừng đến nghẹn lời khi hay tin con được nhận học bổng.
Cùng quê Tây Sơn với Luân là Phạm Thị Hồng Vi, SV năm 3 ngành Tổng hợp Toán, Trường ĐH Quy Nhơn. Cảnh nhà của Vi ngặt nghèo, ba bị bệnh đa khớp không thể làm việc nặng, một mình mẹ tảo tần làm thuê làm mướn nuôi cả gia đình. Ở Quy Nhơn, ngoài thời gian học, Vi còn làm thêm để tự trang trải sinh hoạt hằng ngày, nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Toán. “Em sẽ dành số tiền này để chuẩn bị cho năm học mới. Em còn phải cố gắng học tập thật tốt để ra trường kiếm được công việc ổn định, phụ giúp gia đình, nuôi em ăn học”, Vi chia sẻ.
Để thêm nhiều SV được tiếp sức
Đây là lần thứ 4 học bổng BIDV được trao cho SV Bình Định. Trước đó, năm học 2010-2011, có 33 SV được nhận học bổng; năm học 2011-2012 là 67 SV; năm học 2012-2013 là 50 SV. Tiêu chuẩn xét học bổng ưu tiên cho SV diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đột xuất cần sự hỗ trợ để tiếp tục con đường đến trường. Bên cạnh đó là yêu cầu học lực phải từ khá - giỏi trở lên và xếp loại hạnh kiểm tốt. Mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/ suất, trích từ tiền lãi ngân hàng của 1 tỉ đồng hỗ trợ ban đầu của BIDV.
Năm học 2013-2014, Hội Khuyến học tỉnh nhận được 93 hồ sơ, trong đó có 27 hồ sơ không hợp lệ. Trong số 66 hồ sơ còn lại, có tới 8 SV thuộc diện hộ nghèo (có 4 em học lực giỏi), 20 SV thuộc diện cận nghèo (3 em học lực giỏi), 38 SV thuộc diện gia đình khó khăn đột xuất (10 em học lực giỏi). Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Huỳnh Đăng Khanh, trong những SV thuộc diện gia đình khó khăn đột xuất, Hội ưu tiên chọn các em học giỏi; hoặc loại khá nhưng có người thân trong gia đình bị ốm đau nhiều năm; chỉ có cha (hoặc mẹ), hoặc là con đầu. Số tiền lãi tiết kiệm năm nay chỉ đủ cho 35 em, nhưng Hội cố gắng “linh hoạt” các nguồn khác để thêm 10 SV được hỗ trợ.
“Đã có những SV nhận học bổng này 2-3 lần. Số tiền 2 triệu đồng không lớn, nhưng vẫn có thể giúp được nhiều em bớt nỗi lo mỗi khi năm học mới bắt đầu. Đó cũng là sự động viên, khích lệ để các em cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Nguồn quỹ này sẽ được duy trì lâu dài, nhưng cái khó là tiền lãi hằng năm giảm dần, đồng nghĩa số SV được hỗ trợ cũng sẽ giảm”, ông Khanh tâm tư.
Trước thực tế này, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định Nguyễn Hữu Phúc cho biết sẽ cùng Hội Khuyến học tỉnh tính toán lại, với mục tiêu ngày càng có nhiều SV được hỗ trợ. “Hiện tại, chương trình hỗ trợ an sinh xã hội cho tỉnh được BIDV thực hiện khá nhiều, trong đó có hoạt động tiếp sức học sinh, SV. Sắp tới, chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ cho học sinh ở các xã ven biển”, ông Phúc thông tin thêm.
THU HIỀN - ÁNH TUYẾT