Quy Nhơn nỗ lực để học sinh tiểu học được học bán trú
Trường học bán trú là mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc thù của địa bàn Quy Nhơn. Hiện, 19/27 trường có học sinh cấp tiểu học của thành phố tổ chức cho học sinh học bán trú.
Từ lớp 1, lớp 2, lớp 3, nay Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt (phường Thị Nại) đã mở rộng bán trú đến lớp 5, hiện có 16/23 lớp với 501 học sinh (HS) học bán trú. Trường hợp đồng 16 bảo mẫu, liên kết với cơ sở Hoa Phượng cung cấp suất ăn, với mức 32.000 đồng/ngày/HS. Mức thu cho hoạt động bán trú là 150 nghìn đồng/tháng/HS.
“Với việc học 2 buổi/ngày cho HS theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trường khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng nhu cầu HS học bán trú lớn nên chúng tôi cố gắng sắp xếp. Khi triển khai bán trú, từ ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm kiêm thêm nhiều việc”, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Cường chia sẻ.
Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt tổ chức bán trú cho HS lớp 1 đến lớp 5. Ảnh: M.H
Làm việc tại trung tâm thành phố, không thể đưa đón con đi học 2 buổi/ngày nên chị Nguyễn Hoàng Thụy Thanh có nhu cầu cho con học bán trú. Nhưng, trường tiểu học tại phường Bùi Thị Xuân không tổ chức bán trú. “Do đó, trước khi con vào học lớp 1, tôi xin nhập hộ khẩu đến nhà mẹ đẻ tại phường Thị Nại để có “suất” vào học tại Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt. Khi con học 2 buổi/ngày, đồng thời có bán trú giúp phụ huynh yên tâm hơn”, chị Thanh bày tỏ.
Tuy vậy, việc tổ chức học bán trú ở trường tiểu học ngay khu vực thành phố cũng có những khó khăn nhất định. Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Cơ (phường Bùi Thị Xuân) tiếc nuối: Địa bàn phường chủ yếu là công nhân lao động, mọi năm vẫn có vài lớp, ít nhất được 2 lớp bán trú cho HS. Song, năm nay kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc làm nên phụ huynh HS đăng ký rất ít, nhà trường đành dừng bán trú.
TP Quy Nhơn hiện có 27 trường có HS cấp tiểu học với gần 25.000 HS/659 lớp. Trong đó, 8.384 HS được tổ chức học bán trú ở 19 trường, tỷ lệ 33,6%. Các trường chưa tổ chức bán trú nằm trên địa bàn: Phước Mỹ, Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Châu, 2 trường tiểu học ở phường Bùi Thị Xuân và 1 trường tiểu học ở phường Nhơn Bình.
Trường Tiểu học Quang Trung đang tổ chức 16 lớp bán trú cho 590 HS từ lớp 1 đến lớp 3. Hiệu trưởng Lê Thị Bích Phượng cho hay, lớp bán trú tổ chức theo nhu cầu phụ huynh HS. Tuy nhiên, phải có sự đồng ý của đa số phụ huynh HS của lớp, còn ít quá thì rất khó tổ chức.
Trong khi đó, nhiều trường tiểu học khu vực nội thành chung nỗi trăn trở cơ sở vật chất chưa đảm bảo nơi học, nơi ăn, nơi nghỉ trưa riêng cho HS bán trú. Các trường “tận dụng” không gian trống, hành lang để làm nơi ăn cho HS, còn chỗ nghỉ trưa đồng thời là… phòng học!
Theo ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, chương trình GDPT 2018 tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho 100% HS tiểu học dẫn đến nhu cầu của phụ huynh HS đăng ký cho con tham gia bán trú tại trường để thuận tiện việc học ở buổi học thứ hai. Do đó, các trường tiểu học cố gắng xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú, nhằm đáp ứng nhu cầu HS. Tuy nhiên, vì nhiều điều kiện khác nhau như số lượng HS đăng ký không đủ, điều kiện tài chính của phụ huynh HS không đảm bảo, số lượng DN cung cấp dịch vụ bán trú đảm bảo quy định của nhà nước trên địa bàn còn ít và không thể cung cấp dịch vụ cho những trường xa trung tâm… nên tỷ lệ HS tiểu học được tổ chức bán trú còn thấp.
“Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư bổ sung phòng học, phòng chức năng theo hướng chuẩn quốc gia và đảm bảo thực hiện quy định của chương trình GDPT 2018, qua đó góp phần đảm bảo cơ sở vật chất để các trường tổ chức bán trú. Thường xuyên cập nhật, rà soát để kịp thời đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung mức thu kinh phí tổ chức bán trú, nhằm động viên và đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm công tác phục vụ bán trú cho HS trong các trường học”, ông Hòa nhấn mạnh.
THU HIỀN