Không còn điểm, có hết lo?
Gần đây, các trường tiểu học một phen “nhốn nháo” khi nghe tin Dự thảo thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học thay thế Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT sẽ được áp dụng ngay từ năm học 2014-2015. Với nhiều người, đây có thể là một tín hiệu vui, khi đã quá ngán ngẩm với tình trạng tỉ lệ học sinh giỏi ở các lớp tiểu học luôn cao ngất ngưởng; số ít ỏi còn lại nghiễm nhiên đạt… tiên tiến, cùng cực lắm mới rớt xuống các hạng dưới nữa. Tuy nhiên, không phải phương án thay thế nào cũng là tối ưu.
Nói về quy định sẽ được ban hành này, trên phương tiện thông tin đại chúng dẫn lời phân tích của Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định rằng, mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá học sinh tiểu học là để giúp các em học tốt hơn, chứ không phải chỉ để ghi nhận kết quả học tập vào cuối mỗi năm học. Trước đây, cứ chờ đến cuối học kỳ, cuối năm học mới đánh giá học sinh, nếu không đạt thì cũng quá muộn để hỗ trợ các em. Muốn học sinh học tốt hơn thì phải quan tâm cả quá trình học tập, đánh giá thường xuyên.
Song, phần lớn giáo viên tiểu học khi được hỏi đều rất e ngại trước quy định mới này. Giáo viên tiểu học hiện nay phần lớn dạy 2 buổi/ ngày, sĩ số đông, với cách đánh giá kiểu mới đòi hỏi phải sâu, phải sát từng học sinh, chứ không căn cứ vào bài kiểm tra như trước. Và tất nhiên, điều này gây áp lực lớn cho giáo viên. Số gồng mình để đáp ứng có thể không nhiều, mà số làm “cho có” sẽ không ít.
Ở một khía cạnh khác, việc yêu cầu học sinh tự đánh giá mình ngay trong hoặc sau khi thực hiện nhiệm vụ học tập và báo cáo cho giáo viên cũng có phần quá sức học sinh. Chưa kể các em còn tham gia nhận xét, góp ý đánh giá bạn. Học sinh ở lứa tuổi tiểu học phải có đủ khả năng, sự hiểu biết và mạnh dạn đưa ra đánh giá xác đáng về bản thân và bạn bè là yêu cầu có vẻ xa rời thực tế.
Thêm vào đó, phụ huynh cũng “được” huy động vào quá trình đánh giá thông qua việc quan sát hoặc cùng tham gia hoạt động giáo dục, đưa ra nhận xét rồi trao đổi với giáo viên. Nhiều nhà giáo dục quả quyết không thể trông đợi vào kênh thông tin này. “Một năm có vài cuộc họp phụ huynh, các ông bố bà mẹ còn “trốn”, người phó mặc cho ông bà, người thì “ai sao tui vậy, họp chi mắc công”. Thậm chí, có con bị kỷ luật, ban giám hiệu mời năm lần bảy lượt còn không lên nữa là…”, một giáo viên thâm niên bày tỏ.
Thế mới nói, việc bỏ chấm điểm, thay bằng đánh giá kiểu mới với sự tham gia của cả giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, mới nghe thật lý tưởng, nhưng cũng… xa vời làm sao!
MAI HOÀNG