Ðảm bảo an toàn hồ chứa mùa mưa bão
Ðể đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, hạn chế thiệt hại vùng hạ du, phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và dịch vụ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh đã chủ động phương án phòng, chống thiên tai.
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (CTTL) Bình Định hiện quản lý 63 hồ chứa nước/640,2 triệu m3; 31 đập dâng lớn trên hệ thống các sông Côn, La Tinh, Lại Giang, Hà Thanh, hơn 1.200 km kênh mương. Để đảm bảo an toàn cho các CTTL, từ đầu năm Công ty đầu tư trên 1 tỷ đồng sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng; đầu tư thiết bị công nghệ giúp công tác quản lý, vận hành hồ đập tốt hơn; đặc biệt Công ty đã xây dựng thêm các trạm đo mực nước, đo cao trình mặt nước tại các hồ: Vạn Hội, Hội Sơn, Thuận Ninh, đập Lại Giang và sửa chữa hệ thống camera tại hồ Định Bình.
Theo ông Đinh Văn Chánh, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình (Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định), hiện phần lớn các hồ chứa nước đều được lắp đặt thiết bị quan trắc mực nước, trạm đo mưa, camera giám sát tự động. Cứ khoảng 10 - 15 phút, các trạm đo mưa sẽ báo lượng mưa trong lưu vực bao nhiêu, dựa vào đó mà điều tiết nước, không cần phải gọi điện hỏi các xí nghiệp quản lý hồ như trước. Điều này giúp quản lý, vận hành công trình tốt hơn; việc tiếp nhận và truyền thông tin, dữ liệu, hình ảnh qua thiết bị có kết nối internet cũng dễ và nhanh hơn. Từ thông số của các trạm đo mưa, camera giám sát tại các công trình, Công ty và ngành chức năng của tỉnh biết chính xác lượng mưa lớn nhỏ cỡ nào để chủ động điều tiết hoặc giữ nước lại trong hồ.
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi sửa chữa kênh mương dẫn nước bị hư hỏng. Ảnh: TIẾN SỸ
Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định cũng đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN các CTTL, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng công trình. Tại mỗi công trình, Công ty bố trí từ 10 - 15 cán bộ trực 24/24 giờ để bảo vệ, vận hành, quan trắc và thực hiện báo cáo tất cả yếu tố liên quan đến công tác PCTT tại các hồ chứa cho cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo. Các xí nghiệp thủy lợi trực thuộc cũng đã huy động lực lượng sửa chữa các hạng mục công trình bị hư hỏng, thu dọn các vật dụng tại khu vực cống lấy nước các hồ chứa; nạo vét đất cát bồi lấp hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy. Bên cạnh đó, chuẩn bị đá hộc, đá dăm, bao cát tại các công trình; hợp đồng với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng xung kích từ 40 - 50 người, cùng máy móc, phương tiện sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra.
Ông Lê Đỗ Nhật Quế, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Định Bình (trực thuộc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Ðịnh) - đơn vị quản lý 4 hồ chứa: Định Bình, Tà Tiêng, Hòn Lập, Hà Nhe trên lưu vực sông Côn thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh - cho biết: Chúng tôi đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN, tăng cường lực lượng ứng trực 24/24 giờ giám sát thực tế tại 4 hồ chứa nói trên để có thể vận hành, điều tiết sao cho tối ưu. Riêng tại hồ Định Bình có dung tích nước lớn nhất tỉnh, hiện đã được Công ty lắp đặt hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động lưu vực hồ, nhờ đó chúng tôi có thể quản lý, vận hành công trình thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định cho hay: Công tác PCTT-TKCN các CTTL trong mùa mưa bão đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đối với việc vận hành điều tiết nước, chúng tôi thực hiện theo thứ tự ưu tiên: An toàn tuyệt đối cho công trình; góp phần giảm lũ hạ du; đảm bảo hiệu quả cấp nước sản xuất nông công nghiệp, dịch vụ vùng hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện. Tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình, cao trình mặt nước, mực nước trong hồ chứa và việc điều tiết nước… được cập nhật liên tục và truyền về Ban Chỉ huy PCTT-KTCN&PTDS tỉnh và Bộ NN&PTNT xem xét, chỉ đạo.
PHẠM TIẾN SỸ