Vĩnh Thạnh chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai
Nhằm phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, từ đầu năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động khảo sát, dự lường các loại hình thiên tai có thể xảy ra ở từng khu vực để diễn tập, xây dựng kịch bản ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có hơn 1.450 hộ với hàng nghìn người đang sinh sống trong vùng thấp trũng, ven sông, suối, gần núi có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét cần phải di dời khi có mưa, lũ lớn xảy ra.
Khảo sát chi tiết, chuẩn bị chu đáo
Để chủ động phòng tránh thiên tai, đến nay, các ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện, xã, thị trấn đã được kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Các ban cũng đã lập danh sách, bố trí gần 1.000 người của huyện và 9 xã, thị trấn sẵn sàng tham gia ứng phó khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, Ban chỉ huy quân sự huyện thành lập 1 đội xung kích (25 người) và 1 trung đội dân quân cơ động của huyện để ứng cứu và cứu hộ; CA huyện cử lực lượng kiểm tra, khoanh vùng, chọn địa điểm an toàn để sơ tán nhân dân khi có lệnh; UBND các xã, thị trấn thành lập lực lượng ứng cứu, cứu hộ (20 người/đơn vị) trực chiến 24/24 giờ khi có thiên tai xảy ra. UBND các xã, thị trấn đã hợp đồng với các đại lý cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm trước mùa mưa bão và phân phối trước lương thực, hàng hóa đến các địa phương có nguy cơ bị cô lập do mưa lũ, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (thứ hai từ phải sang) yêu cầu địa phương theo dõi sát sao thời tiết, có phương án sơ tán dân kịp thời đến nơi an toàn khi thấy có mưa lớn diễn ra, kéo dài. Ảnh: TRỌNG LỢI
Về phương án ứng phó với nguy cơ sạt lở đường giao thông, cô lập địa bàn, nhất là ở đường giao thông ĐH 33 từ đập hồ Định Bình đến xã Vĩnh Sơn và đường giao thông từ ngã ba đèo Vĩnh Sơn đến thôn Đăk Tra, O5, O3, O2, Kon Trú (xã Vĩnh Kim) cũng được Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện lên kịch bản chi tiết. Cụ thể, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp các DN, cá nhân trên địa bàn huyện, nhất là các công ty thủy điện khi có thiên tai xảy ra thì tập trung lực lượng, phương tiện để khắc phục ngay từ đầu giờ để đảm bảo người dân lưu thông qua lại. Hiện nay, tranh thủ tiết trời khô ráo, UBND huyện đã thuê DN tổ chức phương tiện, nhân công để san gạt, hạ độ cao các tảng đá lớn ở khu vực đèo, gia cố các điểm taluy bị sạt lở, đổ bê tông nâng cấp mặt đường, khai thông kênh rãnh thoát nước… ở các tuyến đường này, nhằm đảm bảo ATGT.
Bảo vệ dân là trên hết
Trong toàn bộ các kế hoạch, phương án, mục tiêu bảo vệ dân luôn được đặt ra đầu tiên, cao nhất và là mục tiêu ưu tiên. Kết quả khảo sát cụ thể tại xã Vĩnh Kim cho biết, xã có khoảng 180 hộ dân đang sinh sống trong vùng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá khi có mưa lớn diễn ra, đặc biệt các khu dân cư ở thôn O3 và vùng điểm cao thôn Đăk Tra. Để chủ chủ động ứng phó với các hình thái thiên tai, vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện phối hợp với xã tổ chức diễn tập phương án PCTT-TKCN và di dời dân tại địa phương. Bên cạnh đó, xã còn khảo sát, kiểm tra và dự lường các dạng thiên tai có thể xảy ra ở từng vùng, vị trí để xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó phù hợp.
Ông Đinh Cư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết: Cuộc diễn tập này đã góp phần nâng cao năng lực chỉ huy ứng phó thiên tai của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã, giúp người dân sinh sống ở địa bàn có góc nhìn trực diện hơn về những tình huống thiên tai xảy ra để chủ động phòng tránh, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để dùng nếu địa bàn bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, hoặc do sạt lở đất...
Tại buổi đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai huyện Vĩnh Thạnh vào chiều 10.10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu UBND huyện rà soát toàn bộ các phương án phòng chống thiên tai; chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện hậu cần để sẵn sàng triển khai ứng phó các tình huống cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; và trong bất cứ tình huống nào việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân cũng là ưu tiên cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn hồ đập, thường xuyên kiểm tra việc tích nước và có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Các xã, thị trấn phải xây dựng phương án di dời dân cụ thể, chi tiết, xác định rõ phương tiện di dời, địa điểm di dời và thông báo cho nhân dân biết; chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm trước mùa mưa bão...
TRỌNG LỢI