Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 13 (2022 - 2023): Hội tụ trí tuệ, đam mê sáng tạo
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 13 (2022 - 2023) đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của người lao động, doanh nghiệp và trí thức, với nhiều giải pháp đã ứng dụng thành công trong đời sống, sản xuất và được khách hàng tin dùng.
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 13 (gọi tắt là Hội thi) có 54 hồ sơ tham dự trên 6 lĩnh vực. Qua sơ khảo, thường trực Ban tổ chức Hội thi quyết định đưa 52 giải pháp vào chấm, trong đó lĩnh vực y dược chiếm số lượng nhiều nhất với 15 giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định (Trưởng ban Ban tổ chức Hội thi), cho biết: Các đơn vị có số lượng giải pháp gửi về dự thi nhiều là BVĐK tỉnh (11 giải pháp), Công ty Điện lực Bình Định (10 giải pháp), Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (7 giải pháp)… Đáng chú ý, lần đầu tiên “sân chơi” này có sự góp mặt của Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS TX Hoài Nhơn, cùng các tác giả, nhóm tác giả đến từ khối tư nhân sản xuất dịch vụ, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Lê Tấn Thêm, Công ty TNHH Thương mại sản xuất dịch vụ Hồng Minh…
Công nhân Công ty Điện lực Bình Định sử dụng Chương trình kiểm soát để phát hiện nhanh tình trạng lệch pha trạm biến áp công cộng do Th.S Hồ Quang Thịnh và cộng sự xây dựng trong vận hành lưới điện. Ảnh: T.LỢI
Từ kết quả chấm thi, UBND tỉnh đã xem xét, ban hành quyết định công nhận, trao giải thưởng cho 37 giải pháp/6 lĩnh vực đoạt giải, gồm: 5 giải nhất, 7 giải nhì, 6 giải ba và 19 giải khuyến khích. Các đơn vị có nhiều giải pháp chất lượng đoạt giải tại hội thi lần này là BVĐK tỉnh (4 giải pháp), Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (7 giải pháp). Đặc biệt, có tác giả Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định có 4 giải pháp đoạt giải (1 giải nhì và 3 giải khuyến khích), tác giả Nguyễn Tấn Quý - Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có 2 giải pháp đoạt giải khuyến khích.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, hầu hết các giải pháp dự thi lần này đều mới, nhất là các giải pháp đoạt giải đã thể hiện tính sáng tạo lớn, khả năng áp dụng vào đời sống, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến các giải pháp: Bộ lái thủy lực tàu thuyền (có điều khiển remote) - lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, GTVT của tác giả Lê Tấn Thêm (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm); đánh giá kết quả sớm của phẫu thuật cắt gan có kiểm soát cuống gan theo kỹ thuật Takasaki tại BVĐK tỉnh - lĩnh vực y dược của bác sĩ CKII Lê Đức Hải và Thầy thuốc nhân dân - bác sĩ CKII Phạm Văn Phú (BVĐK tỉnh); thiết kế, chế tạo bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động ném xiên trong chương trình Vật lý lớp 10 - chương trình giáo dục phổ thông 2018 - lĩnh vực GD&ĐT của Th.S Huỳnh Xuân Lâm (Trường THPT số 1 Tuy Phước) và Th.S Vương Trường Quân (Sở GD&ĐT); sử dụng plasma lạnh kết hợp phun sương dược liệu nano tự chế tạo để phục vụ nghiên cứu nông nghiệp và y sinh - lĩnh vực vật liệu, hóa chất, năng lượng và các lĩnh vực khác của TS Đỗ Phương Anh (Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) và Th.S Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định). Hoặc, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông xây dựng có giải pháp: Chương trình kiểm soát để phát hiện nhanh tình trạng lệch pha trạm biến áp công cộng 22 - 35/0.4kV nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý vận hành của Th.S Hồ Quang Thịnh và cộng sự; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đánh giá cảm xúc của khách tham quan về Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo của Th.S Võ Lê Minh và Đỗ Thị Thanh Nhạn…
Th.S Võ Lê Minh và Đỗ Thị Thanh Nhạn với giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đánh giá cảm xúc của khách tham quan về Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: T.LỢI
Gặt hái nhiều thành công nhưng Ban tổ chức hội thi cũng thẳng thắn nhìn nhận, Hội thi chưa thực sự trở thành phong trào rộng lớn trong xã hội, người lao động ở nhiều đơn vị, địa phương và một số ngành, trong đó có DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa tích cực tham gia. Nguyên nhân một phần do nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từ hậu quả của dịch Covid để lại; công tác nghiên cứu khoa học ở một số nơi còn hạn chế; công tác tuyên truyền và vận động tham gia hội thi tuy tích cực hơn nhưng chưa đến được cấp huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, một số sở, ngành và nhiều DN chưa quan tâm động viên, đôn đốc và hỗ trợ kịp thời; số tác giả, nhóm tác giả trẻ tuổi hiện đang công tác tại các đơn vị sản xuất tham dự thi có tăng nhưng chưa tương xứng…
Để nâng cao chất lượng hội thi hơn nữa, Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định cũng khuyến nghị: Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là cấp cơ sở cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân tham dự hội thi, nhằm động viên, khích lệ phong trào lao động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng đưa KHKT vào phục vụ sản xuất, đời sống, thực hiện quan điểm KHCN là động lực phát triển nhanh và bền vững. Sở KH&CN cần tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách quan tâm hỗ trợ đầu tư, nhân rộng mô hình đối với các giải pháp đoạt giải hội thi, nhanh chóng mang lại hiệu quả cho xã hội; đồng thời làm tốt công tác vận động các sở, ngành, đoàn thể và DN, các nhà tài trợ quan tâm giúp đỡ, ủng hộ về vật chất và tinh thần để tổ chức, triển khai hội thi lần thứ 14 đạt kết quả cao…
TRỌNG LỢI