Khi người lao động cất tiếng hát
Hội thi “Tiếng hát Người lao động tỉnh Bình Ðịnh” năm 2023 do Sở VH&TT phối hợp với LÐLÐ tỉnh tổ chức chiều 19.10 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khán giả. Hội thi nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sân chơi bổ ích, thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng trong công đoàn viên, người lao động các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hội thi có 15 tiết mục đơn ca của 15 thí sinh là đoàn viên công đoàn đại diện cho các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và Công đoàn Khu kinh tế tỉnh. Các ca khúc được chọn dự thi hướng về chủ đề ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước; ca ngợi giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ca ngợi về đơn vị, ngành, nghề đang công tác, lao động sản xuất.
Với sự chuẩn bị công phu, 15 tiết mục của các đơn vị tạo được sức hút. Nhiều đội thi lựa chọn ca khúc tạo điểm nhấn, trau chuốt giọng hát, dàn dựng múa phụ họa công phu. Mở đầu chương trình là ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (sáng tác Nguyễn Văn Thương) thí sinh Đỗ Thành Việt đến từ Công đoàn Khu kinh tế tỉnh thể hiện đã nhận được tràng pháo tay rộn ràng mở màn cho Hội thi đầy hấp dẫn.
Các tiết mục dự thi tạo được cảm xúc sâu lắng cho người xem.
Loạt tiết mục tiếp đó như: Tiếng hát nơi đảo xa (sáng tác Thanh Bình) của LĐLĐ TX Hoài Nhơn; Bài ca thống nhất (sáng tác Võ Văn Di) của LĐLĐ huyện Vân Canh; Tháng Năm nhớ Bác (sáng tác Thanh Bình) của Công đoàn Viên chức tỉnh... đưa khán giả đi đến từng cung bậc cảm xúc tha thiết, ngọt ngào.
Thí sinh Trần Thị Mỹ Dung, LĐLĐ huyện Vân Canh, xúc động chia sẻ: “Thống nhất luôn là điều gì đó thiêng liêng của mỗi người dân trên đất nước này, ca khúc Bài ca thống nhất luôn cho tôi những xúc cảm đặc biệt, do vậy tôi đề xuất được dự thi ca khúc này”.
Kết thúc Hội thi, LĐLĐ huyện Phù Cát xuất sắc giành giải nhất; Công đoàn Viên chức tỉnh đạt giải nhì; LĐLĐ huyện Tây Sơn và LĐLĐ huyện Vĩnh Thạnh cùng đạt giải ba. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích cho các đơn vị.
Từ miền núi An Lão về phố biển Quy Nhơn tham gia Hội thi, anh Lương Văn Phong, LĐLĐ huyện An Lão, chia sẻ: “Từ khi có kế hoạch Hội thi, chúng tôi tham gia tập luyện trên tinh thần “cây nhà lá vườn” nhưng vẫn rất nghiêm túc, nhiệt tình. Vì là huyện miền núi nên phong trào văn hóa văn nghệ có thể chưa bằng các huyện khác nhưng khi có kế hoạch hoạt động văn hóa, thể thao chúng tôi cũng tham gia rất sôi nổi, nhiệt tình”.
Ca khúc Tháng Năm nhớ Bác do thí sinh Ngô Anh Dũng thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh thể hiện khiến khán giả vỡ òa xúc động trong từng giai điệu mượt mà, sâu lắng nhớ về Bác Hồ. Anh Ngô Anh Dũng chia sẻ: “Với lòng kính yêu Bác Hồ, 2 năm trước tôi đã luyện trình diễn bài hát này, giờ tập luyện lại với sự hướng dẫn của người có chuyên môn để dự thi, tôi lại thêm thấm thía lòng kính yêu Bác. Với tôi, một phần biểu diễn hay phải kết hợp được cả yếu tố kỹ thuật và cảm xúc. Kỹ thuật thì tôi tập luyện khá nhiều, còn về cảm xúc khi nhắc đến Bác Hồ trong từng câu hát đã khiến tôi rất xúc động”.
Nhạc sĩ Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành viên hội đồng giám khảo Hội thi, đánh giá: “Các đơn vị có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, tuy nhiên chúng tôi chưa thấy những hạt nhân mới nổi bật. Dù vậy, các giọng ca quen thuộc đã có sự tiến bộ. Nhìn chung, chất lượng các tiết mục dự thi khá đồng đều”.
Hội thi nhằm phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh, tạo “món ăn tinh thần” cho đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, Trưởng Ban tổ chức Hội thi, chia sẻ: Hội thi lần này không chỉ dừng lại ở kết quả của những giải thưởng, mà sẽ được duy trì, phát triển và là “điểm hẹn”, sân chơi hàng năm dành cho đoàn viên công đoàn, người lao động sau những giờ làm việc mệt nhọc.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN