Diễn giả Nguyễn Tô Giang: Ai cũng có “ngày mai”
Nguyễn Tô Giang là tác giả của hai cuốn tự truyện thu hút dư luận trong thời gian qua, đó là “Ðường xanh viễn xứ” và “Nếu không có ngày mai”. Dịp về Bình Ðịnh giao lưu với phạm nhân của Trại giam Kim Sơn mới đây, anh đã chia sẻ nhiều điều ẩn sâu trong lòng mình.
Hãy can đảm
Bằng thái độ thân thiện khi giáp mặt phạm nhân, anh đã mở lòng mình bằng lời bộc bạch: “Hơn 3 năm trước, tôi cũng mặc chiếc áo phạm nhân như các bạn. Nhưng giờ đây, tôi đã mặc chiếc áo bình thường. Chúng ta rồi ai cũng sẽ như vậy. Nhưng từ chỗ này, làm thế nào để có thể viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình, đó là một hành trình tôi đã trải nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người”.
● Anh cho rằng, chính cách đưa thất bại cay đắng ra ánh sáng đã giúp anh làm lại cuộc đời?
- Đúng vậy. Trong 2 cuốn sách tôi đã viết, cuốn đầu tiên “Đường xanh viễn xứ” kể về sai lầm rồi vết trượt dài của tôi cho đến khi bị bắt vào tù, cuốn thứ hai “Nếu không có ngày mai” miêu tả nỗ lực tôi đứng dậy, tiếp tục hành trình trong kiếp nhân sinh. Thông điệp trong hai cuốn sách của tôi là: Ngã xuống thì phải đứng dậy. Tôi luôn muốn lan tỏa thông điệp tích cực này đến những người lầm lỗi. Vậy nên, đúng là Hội LHPN tỉnh Bình Định mời tôi về đây, nhưng tự đáy lòng bản thân tôi cũng có mong muốn này. Bởi tôi biết, phạm nhân của Trại giam Kim Sơn đang cần người thấu cảm, tiếp sức họ tiến bước về phía trước.
Nguyễn Tô Giang giao lưu với phạm nhân của Trại giam Kim Sơn. Ảnh: N.T
● Trong cả hai cuốn tự truyện, anh đều tự nhận mình là người tham vọng lạc lối. Trên thực tế, không phải ai rơi vào tình huống như anh cũng có đủ dũng khí để đối diện, chấp nhận sự thật và dám nói lên những sai lầm, tội lỗi của mình...
- Tôi đã viết hai cuốn sách với hàm lượng cảm xúc rất cao cùng với trách nhiệm bản thân. Đó là cung bậc tình cảm hướng thiện sau những khó khăn mà tôi đã vượt qua. Tôi nhận diện, “tham vọng lạc lối” đã làm tôi thất bại, nên ngay lời đầu tiên trong cuốn “Đường xanh viễn xứ”, tôi đã tự nhận mình sai ở tham vọng. Đúng là ai cũng có hoài bão, khát vọng, nhưng nếu mình không có đủ kiến thức sống, không tiếp thu những bài học, kinh nghiệm của người đi trước thì sẽ dễ lạc lối trước muôn vàn cám dỗ. Tôi nhận ra sai lầm của mình, từ đó tôi có sức mạnh, thúc đẩy tôi đi tiếp theo hướng đúng. Tôi nghĩ, nếu không nhận ra hoặc cố tình che giấu thì mình không bao giờ sửa sai được. Tôi không biết các phạm nhân thế nào, nhưng bản thân tôi đã từng như thế.
Mạnh mẽ đối diện
Phải trả giá cho sai lầm, tội lỗi, Nguyễn Tô Giang bắt đầu sống lại cuộc đời lần thứ hai. Nghe qua có vẻ nghịch lý, nhưng anh bảo, những ngày tháng trong tù là một đoạn đời đẹp, bởi thiên đường và địa ngục không phải là nơi chốn mà ở trong ý niệm. Anh quý quãng thời gian trong bóng tối, bởi biết phía trước đang tràn ngập ánh sáng.
● Khi nhận án phạt tù, anh nghĩ đến điều gì đầu tiên? Anh lo lắng, suy nghĩ gì về ngày trở về của mình?
- Những ngày bị bắt là những ngày khủng hoảng nhất. Bản thân tôi cũng học hành đầy đủ, tôi từng là một nhà báo nhưng sai lầm do mê đắm, cuồng si ái tình, tiền bạc mà lạc lối. Suy nghĩ phải kiếm được nhiều tiền đã dẫn bước tôi bất chấp trái ngang sang hải ngoại. Ban đầu làm công, rồi trở thành công nhân canh nhà trồng cần sa, sau tôi lên làm chủ, có một số căn biệt thự trồng cần sa ở Úc. Tôi cũng đã là một người ngủ quên trên tiền. Tiền vung khắp nhà, có lúc phải đi chôn dưới đất vì tiền bẩn không thể gửi ngân hàng, mà người tin cậy để gửi thì không có. Nhiều tiền rồi, tôi bắt đầu hưởng lạc, lắm lúc thấy tiền mang lại cho mình thật nhiều rắc rối. Cũng có đôi lúc, tôi chợt hỏi ý nghĩa cuộc đời này của mình thật sự đang ở đâu…
● Rồi lúc anh quay trở lại Việt Nam, đối diện với cộng đồng, gia đình thì sao…
- Khó khăn, rào cản, vướng mắc quá lớn. Nó cao hơn cả bức tường rào thép gai trong nhà tù. Chính sự mặc cảm là sự vô hình giăng mắc, kéo cuộc đời những người lầm lỗi xuống hố sâu. Vượt qua mặc cảm tội lỗi là một trong những bản lĩnh, và tôi đã chuẩn bị tâm lý trong những ngày đang chấp hành án.
Tôi nghĩ, không ai chặn lối thoát của mình cả, chỉ bản thân mình chặn hay không thôi. Việc sống như thế nào, hạnh phúc hay không thì bản thân mình có thể ban phát cho mình, không ai có thể ban phát cho mình được.
Tự do của bản thân là tự do trong tư tưởng, trong ý niệm, cái đó không ai có thể cầm tù được. Có thể hôm nay, phạm nhân phải chấp nhận án phạt cũng như tôi đã từng, để rồi mình tự do trong tư tưởng, mình tìm được ý nghĩa của cuộc sống này. Trong cuốn tự truyện, tôi viết rất rõ: Ý nghĩa cuộc sống đó nó đơn giản là ta về với mẹ, về với cha, về với con, về với cộng đồng, về để sửa lại mái nhà tranh đã lung lay trong những ngày thiếu mình.
Bước qua bóng tối
Quá trình chấp hành án tại trại giam ở Úc, Nguyễn Tô Giang đã rất nhiều lần có ý nghĩ muốn tự tử. Tuy nhiên, anh đều vượt qua được những phút yếu lòng đó. Khi quay về Việt Nam, anh quyết định về quê, thay đổi chính mình và viết sách.
● Điều gì khiến anh quyết định viết sách?
- Có những người viết hồi ký không công bố vì chỉ muốn thỏa đam mê, giải phóng năng lượng. Với tôi, viết là đam mê. Cảm xúc trong con người dồn nén thì mình viết thôi. Còn viết để công bố là một trách nhiệm. Tôi coi đây là sứ mệnh từ lầm lỡ. Quyết định viết và công bố bởi vì tôi thấy câu chuyện của tôi giúp ích cho rất nhiều người. Sự đối mặt tuy có làm tôi mất thể diện một tí nhưng tôi giúp đỡ rất nhiều người. Trong 2 cuốn sách, tôi viết trong tâm thế để trao ý nghĩa, để giúp người, có thể các bạn đọc sách của tôi, nhận thấy những điều tôi trải qua kinh khủng hơn là nỗi đau bạn đang phải gánh chịu. Tôi từng leo lên cầu thang, chỉ cần nửa bước chân là kết thúc cuộc đời với trầm luân đau khổ. Lúc đó nghĩ chết thế này là ô nhục và tiếng để đời, tạo tiếng xấu cho con cháu và tôi đã rụt bàn chân mình lại.
Tôi xin chia sẻ về cái tết Nguyên đán năm 2017 trong nhà tù ở Úc. Trong 1.000 phạm nhân, có đến 200 người Việt. Là một người trắc ẩn, tự dưng tôi rất đau lòng. Điều đó thôi thúc tôi phải viết, nói với mọi người rằng, tôi sai, người khác sai, vậy thì hãy cùng cố gắng hướng tới ánh sáng thiện lương của cuộc đời.
● Khi trở về, điều gì khiến anh được an ủi nhất...
- Khi tôi vào tù, trong thời gian 30 tháng, tiền bị tịch thu hết, vợ con ly tán. Tất cả với tôi là con số 0 tròn trĩnh. Cuối cùng, người phụ nữ đau khổ nhất là mẹ tôi. Thời gian tôi ngồi tù, mẹ tôi bị bệnh nặng, bởi trái tim người mẹ đã quá sức chịu đựng. Rồi mẹ tôi hóa vô tri. Tôi nhớ, buổi sáng hôm ấy, khi đặt chân vào ngôi nhà đầy ắp ký ức tuổi thơ, tôi đã quay sang ôm mẹ nhưng bà không biết gì, chỉ nói bâng quơ: Ồ! Con về rồi à! Cảm giác như con chưa từng đi xa, chưa từng mắc lỗi, vẫn là đứa con đáng yêu của thuở nào trong ký ức người mẹ.
● Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
NGỌC TÚ (Thực hiện)