Tiền thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cao nhất trong 10 năm qua
Thông tin tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, tiền thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế đã thu trên 20.000 tỷ, đây cũng là con số khá ấn tượng, cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Chiều 19.10, thông tin tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ, ông Đỗ Xuân Quý cho biết, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính trong Quý III và cả năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, đến nay đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 đối với lĩnh vực thi hành án (từ ngày 1.10.2022 - 30.9.2023).
Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Ảnh: Thế Kha.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực, năm 2023, tuy công tác thi hành án dân sự còn một số khó khăn, vướng mắc, số vụ việc phải thi hành án tăng cao, số tiền thi hành án cũng tăng rất nhiều, trong khi biên chế của hệ thống cơ quan thi hành án vẫn phải cắt giảm theo chủ trương chung, tính chất các vụ việc thi hành án đặc biệt phức tạp (như vụ Châu Thị Thu Nga có gần 1000 đương sự; vụ Alibaba nhiều nghìn đương sự…), số tiền phải thu rất lớn, nhưng kết quả thi hành án năm 2023 khả quan, phấn khởi.
“Kết quả thi hành án về tiền và việc của cả hệ thống thi hành án đều tăng mạnh so với năm 2022, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể đã thi hành xong khoảng 575.000 việc, số tiền thu được xấp xỉ 90.000 tỷ đồng. Đây là năm có số tiền đạt giá trị tuyệt đối, cao nhất từ trước đến nay. Tiền thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế đã thu trên 20.000 tỷ, đây cũng là con số khá ấn tượng, cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. 100% bản án, quyết định hành chính được theo dõi đúng thủ tục, dẫn tới kết quả thi hành án hành chính cũng tăng mạnh. Đặc biệt, các vụ việc liên quan trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án giảm mạnh”.
Dẫn một số kết quả ấn tượng trong công tác thi hành án, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, sở dĩ có được kết quả trên, Tổng cục Thi hành án áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh thanh tra kiểm tra, tuân thủ chặt chẽ pháp luật, đặc biệt đẩy mạnh công tác tự kiểm tra ở các cơ quan thi hành án, phòng chống tham nhũng tiêu cực từ sớm từ xa.
Trả lời báo chí về kết quả cụ thể của những vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Lực khẳng định, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã phát huy tác dụng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự coi đây là nhiệm vụ chính trị, trực tiếp chỉ đạo liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng nên kết quả rất khả quan.
Một số vụ việc mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo đều đạt kết quả khá tốt.
Trong đó, vụ ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3-2) và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tại Tổng công ty 3-2 đã thu hồi được 572 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã thu được 465 tỷ đồng và giai đoạn 2 đã thu hồi được 458 tỷ đồng.
Vụ buôn lậu, nhận hối lộ xảy ra ở Đồng Nai và một số tỉnh thu hồi được 427 tỷ; vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm thu hồi được 129 tỷ đồng…
Theo Thanh Hà (VOV.VN)