Chú trọng giáo dục đạo đức nghề báo trong đào tạo báo chí-truyền thông
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Đảng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo báo chí-truyền thông, nhấn mạnh vấn đề giáo dục đạo đức nghề báo phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chiều 19.10, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác, đã làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chính trị, khoa học xã hội và nhân văn; trọng tâm là công tác báo chí, truyền thông.
Báo cáo với Đoàn công tác, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết trong cơ cấu đào tạo và nghiên cứu hiện nay của trường, Báo chí-Truyền thông là ngành đào tạo trọng điểm, lĩnh vực chuyên sâu và phục vụ cộng đồng rộng rãi.
Từ năm 1990 đến nay, lĩnh vực báo chí-truyền thông đã được đào tạo ở cả ba hệ (Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ) với hơn 10.000 cử nhân, gần 1.000 thạc sỹ, tiến sỹ, cùng nhiều khóa bồi dưỡng-tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ nhà báo toàn quốc.
Đặc thù đào tạo về báo chí của nhà trường là đào tạo liên ngành, liên thông, theo mô hình tín chỉ, đào tạo bằng kép… Nhân lực ngành Báo chí do nhà trường đào tạo có khả năng làm việc ở nhiều công việc, môi trường; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp tốt.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo báo chí-truyền thông trong thời gian tới, lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhà trường kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí-truyền thông; ban hành văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí-truyền thông; có chỉ đạo sát sao hơn về quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, định hướng phát triển ngành đào tạo này cho các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập; chủ trì biên soạn một số giáo trình dạy chung trong các cơ sở đào tạo báo chí-truyền thông...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác và Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trao đổi, phân tích, chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo báo chí-truyền thông trong tình hình mới.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng thời gian tới, đào tạo báo chí-truyền thông cần gắn nhiều hơn với thực tiễn đời sống báo chí đang biến chuyển nhanh chóng.
Sinh viên báo chí phải được thực hành càng nhiều càng tốt, tham gia nhiều hơn vào hoạt động thông tin báo chí tại tòa soạn ngay từ những năm học đầu.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh đề nghị các cơ sở đào tạo về báo chí-truyền thông cần chú trọng hơn nữa đến giáo dục đạo đức nhà báo cho đội ngũ những người làm báo chí-truyền thông tương lai ngay từ trên ghế nhà trường.
Đồng thời, cơ sở đào tạo tăng cường cập nhật các xu hướng công nghệ báo chí hiện đại để hình thành một lớp những người làm báo không chỉ tinh thông về nghiệp vụ mà còn biết ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại vào nghề nghiệp, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong báo chí nước nhà.
Giáo sư-Tiến sỹ Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều đề án đổi mới công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong đó có lĩnh vực báo chí-truyền thông.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã có chính sách về phân tầng đào tạo, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, có chính sách thu hút sinh viên giỏi. Với chính sách đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cấu trúc lại chương trình đào tạo gắn chặt chẽ lý thuyết với thực hành.
Nhà trường có trung tâm thực hành báo chí-truyền thông gắn với bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo này đang vướng một số quy định của Nhà nước khiến cho việc triển khai mô hình đào tạo mới gặp khó khăn.
Do vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rất mong muốn được trao các cơ chế thí điểm mô hình đào tạo mới trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Đảng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo báo chí-truyền thông; đặt ra yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo để hình thành đội ngũ nhà quản lý, phóng viên, biên tập viên báo chí-truyền thông tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Đặc biệt, vấn đề đạo đức nghề báo phải được đặt lên hàng đầu.
Với yêu cầu đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu đưa đào tạo báo chí-truyền thông trong một thể thống nhất thích ứng với thời cuộc; tiếp tục thực hiện tốt đào tạo bồi dưỡng đội ngũ người làm báo trong thời kỳ mới, trong đó hướng tới xây dựng được một khung chương trình đào tạo chuẩn trong phạm vi toàn quốc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững các giá trị cốt lõi, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí-truyền thông; cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham gia góp ý xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng.
Theo V.Đ (TTXVN/Vietnam+)