Học lịch sử ở Trung tâm Lưu trữ lịch sử
Không chỉ thực hiện chức năng lưu trữ, bảo quản tài liệu lịch sử có giá trị, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (thuộc Sở Nội vụ) đang từng bước hướng đến phục vụ công chúng tham quan tìm hiểu, nghiên cứu các hiện vật, tài liệu được trưng bày, lưu trữ tại đây.
Chiều ngày 10 - 12.10, bầu không khí tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử (số 12 Mai Hắc Đế, TP Quy Nhơn) trở nên náo nhiệt khi đón hơn 500 học sinh khối lớp 10 của Trường THPT Quốc học Quy Nhơn đến tham quan, trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, văn hóa Bình Định thông qua Triển lãm trực tuyến chủ đề “Bình Định theo dòng lịch sử”; tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh, hiện vật được lưu trữ, trưng bày tại đây.
Học sinh xem triển lãm trực tuyến “Bình Định theo dòng lịch sử”. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo cô giáo Lê Thị Phương, Tổ trưởng Tổ bộ môn Sử - Địa - Giáo dục công dân (Trường THPT Quốc học Quy Nhơn), ngoài giảng dạy tại trường, hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều giờ học môn Lịch sử ngoại khóa sinh động, thu hút học sinh. Năm học này, trường có kế hoạch tổ chức cho học sinh khối lớp 10 tham quan Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, khối lớp 11 tham quan Bảo tàng Quang Trung, nhằm giúp các em tiếp cận lịch sử, văn hóa Bình Định dễ hơn, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào về quê hương, đất nước.
Tại khu trưng bày của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, các em học sinh được tìm hiểu tư liệu di sản Hán Nôm thông qua hình ảnh các sắc phong, hiện vật mộc bản triều Nguyễn, giấy tờ ruộng đất, gia phả dòng tộc; cùng những tư liệu lưu trữ liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân, dân Bình Định…
Em Trịnh Trương Gia Hân, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, chia sẻ: “Được ngắm nhìn các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày tại đây và xem triển lãm trực tuyến không gian 3D trên màn hình cảm ứng với nội dung sống động, em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về vùng đất Bình Định theo dòng lịch sử từ cội nguồn đến ngày nay. Với chúng em, những buổi học ngoại khóa như thế này rất bổ ích, ghi nhớ kiến thức lâu hơn”.
Sau khi tham quan khu trưng bày, học sinh còn được tham quan các kho lưu trữ, nghe cán bộ của Trung tâm giới thiệu về chức năng, hoạt động để hiểu hơn về những người làm công tác lưu trữ. Để các em hứng thú và hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của Bình Định, Trung tâm còn phối hợp với CLB Face Art Bình Ðịnh giới thiệu mặt nạ, trang phục hát bội, biểu diễn hát bội (do các nghệ nhân của Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây trình diễn), trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội.
Em Lê Duyên Bích Ngọc, học sinh lớp 10C2, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, tâm tình: “Mạch nguồn lịch sử, văn hóa của quê hương Bình Định trải dài qua các thời kỳ được gói gọn giới thiệu trong một buổi chiều tham quan nhiều ý nghĩa như thế này khiến tinh thần chúng em phấn chấn, đúng nghĩa vừa học, vừa chơi. Vui nhất là chúng em được nghe giới thiệu về mặt nạ hát bội, xem hát bội, đặt câu hỏi để các nghệ sĩ, nghệ nhân trả lời, từ đó hiểu hơn về nghệ thuật hát bội của quê mình”.
Việc phối hợp tổ chức những hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh cũng là bước khởi đầu để Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh mở rộng phục vụ người dân, du khách có nhu cầu khai thác tài liệu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Bình Định; tạo thêm một kênh tiếp cận thông tin cho công chúng ở mọi lứa tuổi.
Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, cho biết: “Sắp tới, Trung tâm có kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức thêm nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, văn hóa bổ ích khác, như: Tọa đàm, hội thảo, triển lãm chuyên đề; xây dựng phòng đọc sách phục vụ bạn đọc. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tập trung sưu tầm thêm các tư liệu quý hiếm khác, như sắc phong, gia phả dòng họ; số hóa tư liệu lưu trữ để đưa lên không gian mạng phục vụ công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu…”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN