Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn ở miền núi
Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên.
Nói không với tảo hôn
Mô hình CLB Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) được Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú An Lão (huyện An Lão) và Ban Dân tộc tỉnh triển khai từ cuối tháng 5.2023, gồm 54 thành viên là Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh.
Học sinh Trường PTDT bán trú An Lão tham gia sinh hoạt CLB Thanh niên nói không với tảo hôn và HNCHT tại trường. Ảnh: T.C
Đều đặn vào tuần thứ ba hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt với các chủ đề trọng tâm như: Tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; các hệ lụy của tảo hôn và HNCHT; chiếu phim và phóng sự, phát tờ rơi để có những hình ảnh, câu chuyện trực quan về tảo hôn giúp học sinh dễ hiểu, dễ nắm bắt…
Theo thầy Trần Văn Hải - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm CLB, việc thành lập CLB rất phù hợp với thực tế của trường, bởi hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số, tính tình nhút nhát, ngại tâm sự, có rào cản lớn giữa thầy và trò.
“Sinh hoạt CLB, chúng tôi khuyến khích các em chia sẻ những câu chuyện mình từng chứng kiến về tảo hôn hoặc vướng mắc của bản thân để đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm giúp các em giải quyết vấn đề, thay đổi nhận thức, hành vi”, thầy Hải cho biết.
Em Đinh Thị Ly Nương (dân tộc H’re, học sinh lớp 9A3), cho biết, nội dung sinh hoạt của CLB rất thiết thực, bổ ích. “Chúng em hiểu rõ không được kết hôn sớm, phải cố gắng học tập để mai sau có cuộc sống tốt hơn, để không phải vất vả như thế hệ trước”, em Nương chia sẻ.
Cũng trong tháng 5.2023, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với Trường PTDT bán trú Canh Liên (huyện Vân Canh), Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) thành lập các CLB Thanh niên nói không với tảo hôn và HNCHT. Bước đầu, các CLB hoạt động hiệu quả, nhiều học sinh trở thành tuyên truyền viên tích cực chia sẻ kiến thức, từng bước làm thay đổi nhận thức của bạn bè, gia đình về tảo hôn.
Nỗ lực đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 37 trường hợp tảo hôn; trong 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận 17 trường hợp.
Huyện Vân Canh có đông người dân tộc Chăm, Bana sinh sống. Những năm qua, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra một số trường hợp tảo hôn; chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện ghi nhận 16 trường hợp.
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương đưa nội dung về tảo hôn, quy định tuổi được kết hôn vào hương ước, quy ước của thôn, làng để thực hiện. Phân công cán bộ thường xuyên đứng chân từng thôn, làng; vận động các gia đình ký cam kết không để xảy ra tảo hôn và HNCHT. Phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân ở vùng dân tộc thiểu số.
“Để giảm thiểu tảo hôn, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, quy định của pháp luật về tảo hôn cho người dân, học sinh. Đặc biệt, phải chú trọng các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn để tạo ấn tượng, ăn sâu vào tiềm thức của họ”, ông Việt nhấn mạnh.
Còn ông Đinh Tiêu, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thạnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện ghi nhận 6 trường hợp tảo hôn. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về hệ lụy của tảo hôn và HNCHT cho đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên. Vận động xây dựng các mô hình điểm về chống tảo hôn tại các thôn, làng, trường học. Triển khai các hội thi, sân khấu hóa tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn trong học sinh…
TRIỀU CHÂU