Làng nghề đan đát Trung Chánh
Làng nghề đan đát Trung Chánh (thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) có từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề hiện còn hơn 400 hộ giữ nghề đan đát, những sản phẩm mộc mạc, nhưng đầy tinh tế do người dân làng nghề làm ra, như: Thúng, rổ xảo, giỏ, dừng, nia, mủng…
Bà Nguyễn Thị Xuân (67 tuổi, ở xóm Trung Thuận, thôn Trung Chánh), chia sẻ: “Nghề đan đát ở địa phương có từ lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác theo kiểu cha truyền con nối cho đến nay. Bà con ở đây còn giữ nghề như giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông”.
Nguyên liệu đan đát là tre được người dân làng nghề mua ở địa phương và các vùng lân cận như Mỹ Chánh, Mỹ Cát (Phù Mỹ) về cắt khúc, chẻ nan rồi phơi khô, sau đó nấu nan bằng nước muối phơi khô lần nữa đảm bảo độ bền, dẻo rồi tiến hành đan.
Với chút năng khiếu mỹ thuật, cộng với sự sáng tạo, 5 năm trở lại đây, nghệ nhân Phạm Văn Huynh (ở xóm Trung Tâm, thôn Trung Chánh) đã tạo ra nhiều sản phẩm đan đát đẹp, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng.
Cụ Nguyễn Thị Khéo (83 tuổi, ở xóm Trung Thuận, thôn Trung Chánh), tâm tình: “Tôi biết đan đát từ lúc nhỏ, giữ nghề đan cho đến tận bây giờ. Nay lớn tuổi, tôi không còn đan, mà mua gom sản phẩm của bà con để bỏ mối cho bạn hàng trong và ngoài tỉnh”.
Sản phẩm của làng nghề không chỉ “chạy hàng” trong tỉnh mà còn ra nhiều nơi ngoài tỉnh, như: Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk… Đặc biệt, tại làng nghề có nghệ nhân Phạm Văn Huynh, ở xóm Trung Tâm, thôn Trung Chánh với đôi tay khéo léo đã tạo ra nhiều sản phẩm bằng tre thú vị, như: Lồng đèn, quả đựng bánh, giỏ đựng sách, con rồng tre, con cá, con tôm, đèn măng xông… được du khách trong và ngoài tỉnh đặt hàng, mở hướng phát triển sản phẩm đan đát truyền thống phục vụ du lịch.
NGỌC NHUẬN - THẢO KHUY